NPO HIỆP HỘI NGƯỜI VIỆT TẠI NHẬT
  • TRANG CHỦ
  • TIN TỨC
  • GÓC NHÌN
  • HOẠT ĐỘNG
  • KINH NGHIỆM SỐNG TẠI NHẬT
  • GIỚI THIỆU
Picture

YẾU ĐUỐI

28/1/2022

0 Comments

 
Tokyo cũng đã xấp xỉ gần 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, nhưng số người tử vong vì chủng Omicron ít hơn so với những chủng khác.

Hôm qua đọc sách của Jared Diamond mới biết thêm rằng, để sống còn, vi rút phải biến dị tự làm yếu đi, bớt giết người khi xâm nhập vào cơ thể thì chúng mới ít bị chết theo để mà tăng cơ hội tồn tại.
Vi rút, chúng biết là yếu để mà sống.

Hơn 2 năm dịch bệnh, cũng đã khiến cho nhiều người chúng ta nhận thức rõ hơn về giá trị của sự yếu đuối.
Thiên tai, dịch bệnh và kể cả nhân tai tàn khốc là những cơ hội để con người một lần nữa biết mình vẫn "dưới cơ" so với tự nhiên.
Yếu để giúp nhau.
Tử cung không tròn thẳng và hẹp của loài người khiến cho việc sanh đẻ phải cần đến nhau mà hộ sản.
Để chinh phục những loài vật khác, con người đã phải nhận thức rất rõ về sự yếu đuối của mình để từ đó kết tập tim óc, khắc phục khó khăn.
Mạnh bạo như khủng long cũng phải tuyệt chủng, thế nhưng nhỏ yếu như con kiến, con gián thì đã tồn tại hàng trăm triệu năm qua. Bởi chúng biết là mình yếu nên phải thích nghi và phải giúp nhau thì mới không bị đào thải.

Corona còn là dịp để chúng ta nhận rõ hơn về lòng biết ơn. Dịch bệnh ập đến, khiến ai đó ngã xuống, tối lửa tắt đèn. Trong cơn lòng đau dạ yếu, mới thấm thía sự ấm áp của những cử chỉ thân tình, chia sẻ. Tình yêu đối với tha nhân được bắt đầu từ sự hiểu biết về yếu đuối của bản thân. Corona có thể sẽ khiến cho chủ ngữ "chúng ta" được dùng nhiều hơn là "tôi".

thuỵ ơi và thuỵ ơi
đừng bao giờ em hỏi
vì sao mình yêu nhau
vì sao môi anh nóng
vì sao tay anh lạnh
vì sao thân anh rung
vì sao chân không vững
vì sao anh van em
hãy cho anh được thở
bằng ngực em rũ buồn....

Lời tự thú của Du Tử Lê trong bài thơ Khúc Thụy Du được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc làm rung động lòng người bởi không gì khác hơn là sự yếu đuối ngự trị trong mỗi chúng ta.
Picture
0 Comments

Trung cộng ''có tật giật mình'' về nguồn gốc Covid-19?

9/9/2021

0 Comments

 
Tháng 5 vừa qua, tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu các cơ quan tình báo nước này chuẩn bị một báo cáo về nguồn gốc của Covid-19. Yêu cầu của ông Biden là hoàn toàn có cơ sở khi ngày càng có nhiều nhà khoa học uy tín đề cập đến giả thuyết Covid-19 bắt nguồn từ một "vụ rò rỉ phòng thí nghiệm" tại Viện Virus học Vũ Hán. 
Kết quả điều tra trong thời gian dài của các cơ quan tình báo Mỹ là báo cáo dài 2 trang với những điểm quan trọng đó đó dịch Covid-19 có thể đã xuất hiện trong khoảng thời gian từ tháng 11/2019 trở về trước và một trong năm nhóm cơ quan tình báo Mỹ đã củng cố nhận định cho rằng rằng các ca nhiễm covid đầu tiên có liên đến sự cố trong quá trình làm thí nghiệm, quá trình tiếp xúc với động vật, hay quá trình lấy mẫu thí nghiệm của viện Virus học Vũ Hán.

Báo cáo của cộng động tình báo Mỹ hoàn toàn không mang tính buộc tội, nhưng ngay lập tức Trung cộng đã lên tiếng chỉ trích báo cáo thiếu căn cứ khoa học, mang tính ép buộc và đổ lỗi cho Trung cộng. Động thái này liệu có phải là động thái “CÓ TẬT GIẬT MÌNH” của Trung cộng???
Một sự thật không thể chối cãi đó là, ngay từ khi dịch Covid diễn ra, Trung cộng đã tìm mọi cách để “bịt miệng” những người nắm được thông tin. Bác sĩ Lý Văn Lượng, người đã cảnh báo về nguy cơ bùng phát đại dịch hồi tháng 12/2019, đã bị bắt giam do tung tin đồn thất thiệt và buộc phải ký một văn bản thừa nhận hành vi gây rối trật tự xã hội một cách nghiêm trọng. Vị bác sỹ này cũng qua đời do Covid sau đó. Nhà báo Trương Triển bị bắt sau khi khi công bố tài liệu về những ngày đầu xuất hiện Corona và hiện giờ cũng không biết bị giam giữ ở đâu. Trung cộng cũng nhiều lần phản ứng trước yêu cầu của WHO về việc điều tra rõ nguồn gốc covid và dù cuộc điều tra có diễn ra thì nội dung kết quả cuối cùng cũng bị Trung cộng thao túng. Thậm chí, Trung cộng còn không biết xấu hổ khi đưa ra một thuyết âm mưu rằng Covid bắt nguồn từ phòng nghiên cứu các mối đe dọa sinh học của Quân đội Mỹ và các tờ báo của Trung cộng còn lan truyền rộng rãi thông tin này.

Tính đến nay, thế giới đã có hơn 200 triệu người bị nhiễm Covid, trong đó có 4,5 triệu người tử vong, nhiều hơn bất cứ dịch bệnh nào đã từng diễn ra trên thế giới từ trước đến nay. Biểu hiện “có tật giật mình” của Trung cộng chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Trung cộng chứ không phải ai khác, chính là nguyên nhân mang đến đau thương cho nhân loại và cần phải bị trừng phạt./.

Trần Đăng
Picture
Ảnh chụp ngày 20 tháng 5 năm 2020, cho thấy Viện virus học Vũ Hán ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, tâm chấn đầu tiên của đại dịch coronavirus toàn cầu. (Ảnh của Kyodo News qua Getty Images)
0 Comments

Quyền của quý tộc

8/8/2021

0 Comments

 
​jus primae noctis (tạm dịch: quyền của quý tộc)

“jus primae noctis” là một thuật ngữ Latin, dịch sang tiếng Anh là “Right of the first night", hoặc tiếng Nhật là 初夜権. Vâng, nó có nghĩa là quyền được ngủ đêm đầu tiên với cô dâu, nhưng không thuộc về chú rể. Quyền này thuộc về người quý tộc chủ địa hạt mà cô dâu chú rể sinh sống. Các thành tố Latin “jus”, “primae", “noctis" lần lượt là “right", “first", “night", dịch sang tiếng Việt là “quyền", “đầu tiên", và “đêm".
Quyền này được ghi nhận từ rất lâu trong lịch sử loài người. Có thể kể đến đầu tiên là vua Gilgamesh, vua của Uruk, một thành bang của nền văn minh Sumer ở lưu vực sông Lưỡng Hà. Trong sử ký của Herodotus cũng có nhắc đến quyền này của giới quý tộc. Trong phim ảnh thì bộ phim nổi tiếng Braveheart (Trái tim dũng cảm), sản xuất năm 1995, kể về người anh hùng William Wallace của Scotland thế kỷ 13, cũng đề cập đến quyền này. 

Trong sinh hoạt văn hoá của Á Đông chúng ta, tuy những sự việc kiểu như “cậy quyền ức hiếp gái nhà lành" là rất phổ biến nhưng dường như việc luật lệ hoá chưa được ghi nhận bao giờ. Ví dụ mới nhất có thể kể đến là việc nhà cầm quyền China bị cáo buộc đã gửi những người đàn ông Hán đến nằm chung giường với phụ nữ hồi giáo Duy Ngô Nhĩ khi chồng của họ đi tù. Đương nhiên, họ không bao giờ thừa nhận việc này: https://www.businessinsider.com/china-uighur-monitor-home... Đây là một nét khác biệt thú vị giữa các nền văn hoá.

Chắc hẳn cảm nhận đầu tiên của phần lớn độc giả đều thấy tò mò với khái niệm này, thậm chí không thể tưởng tượng được liệu nó có thể xảy ra được hay không. Bởi vì nó vô lý quá và nó “hấp dẫn” quá. Trên thực tế, có nhiều nghi vấn về tính thực tiễn của quyền này, ngay cả ở châu Âu thời Trung Cổ. Quý độc giả nào quan tâm có thể tìm đọc 初夜権 Jus primae noctisの社会学的攻究 第50版 của tác giả 二階堂招久  
https://www.kosho.or.jp/products/detail.php...

Người viết giới thiệu khái niệm này đến quý độc giả không phải bởi tính “hấp dẫn" của chủ đề, mà chủ yếu là muốn mượn những ý tưởng liên quan để đưa ra thảo luận về những quyền dường như chúng ta đã quên lãng. Cơ sở chủ yếu của jus primae noctis đến từ quyền sở hữu của giới quý tộc cai trị đối với người dân thường sống trong địa hạt của họ. Quyền này đã biến mất hầu hết ở trên trái đất này, ít nhất những nơi có người Việt chúng ta sinh sống.
Tuy nhiên cũng chính tại một số nơi có người Việt sinh sống, nhiều quyền khác lại xuất hiện, mà dường như chúng ta đã vô tình hoặc cố ý làm ngơ không biết. Đầu tiên có thể kể đến “jus prima vaccinum". Vâng, quý độc giả có thể đoán được ý nghĩa của cụm từ này. Câu hỏi đặt ra là: Những nhóm người nào được quyền tiêm trước? Liệu chúng ta có quyền chọn loại vaccine để được tiêm hay không và nếu có thì nhóm người nào được chọn? Những quyền này dựa trên cơ sở nào? Tại sao lại có sự khác biệt giữa người Việt ở Nhật và người Việt ở quê hương? Sự khác biệt này dựa trên cơ sở nào?

Sống ở Nhật Bản là một sự may mắn, không chỉ bởi chúng ta né tránh được chủ đề “jus prima vaccinum", một chủ đề đang nóng bỏng ở quê nhà. Mà ở tầm vô thức của suy nghĩ (subconscious mind) nó cũng giúp chúng ta quên được nhiều chủ đề tương tự cho dù chúng rất gần với chúng ta. “jus prima fuga" (“fuga” dịch sang tiếng Anh là “flight", sang tiếng Việt là chuyến bay) là một quyền không trên giấy tờ mà người viết dám chắc là tất cả người Việt tại Nhật đều hiểu nó đến từ đâu, nó được phân phát như thế nào, làm thế nào để có nó. Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta cần có thái độ như thế nào với những hiện thực này? Sự lựa chọn của chúng ta liệu có thật sự bị bó buộc bởi hoàn cảnh hay không?

​Quý độc giả có thể tìm xem bộ phim Braveheart được giới thiệu ở trên, để tham khảo thêm về sự lựa chọn của những người Scotland khi họ đứng trước những hiện thực tương tự. Cuối cùng thì sự lựa chọn vẫn luôn thuộc về chúng ta.

Đông Kinh ngày hè bão đến,
Trần Phong
Picture
0 Comments

Chuyện Miến Điện (kỳ 2)

26/2/2021

0 Comments

 

KỲ 2: DÃ TÂM CỦA TRUNG QUỐC VỚI MIẾN ĐIỆN CÓ THÀNH CÔNG KHÔNG?

Picture
   12 tháng Giêng, ngoại trưởng Vương Nghị đi thăm Myanmar. Mục đích chính của chuyến đi là cuộc hội đàm với tướng Min Aung Hlaing. 2 tuần sau đó, đảo chánh tại Myanmar do tướng Hlaing cầm đầu xảy ra. Cho đến nay các cuộc biểu tình đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi vẫn đang quyết liệt với một số người tử vong và nhiều người bị trọng thương do súng đạn của quân đội Myanmar phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc (TQ). Liên tục trong nhiều ngày, hàng nghìn người dân Miến điện đã tụ tập biểu tình trước sứ quán TQ với các biểu ngữ: Cấm viện trợ cho quân đội, hoặc: Ngưng ngay hành động can thiệp nội bộ quốc gia. 
Cũng ngay trong chuyến thăm Myanmar tháng Giêng, ngoại trưởng Vương Nghị khi tiếp kiến với nhà lãnh đạo Suu Kyi đã phát biểu hoành tráng: Trung Quốc kiên quyết ủng hộ ổn định chính quyền của Liên minh Quốc dân vì Dân chủ (tức NLD lúc ấy đương cầm quyền).
Trong khu nhà quản thúc, chắc bà Suu Kyi một lần nữa thấm thía đắng cay hơn khi hồi tưởng lại công sức tiếp cận với Bắc Kinh của mình trong những tháng năm qua.
   
   Sau cuộc đảo chính, đứng đầu là Anh Mỹ và một số quốc gia Liên Âu cũng như hội đồng bảo an LHQ đã đồng loạt lên án và ban hành các biện pháp chế tài. Tuy nhiên, nhìn chung, vẫn không thể che đậy được sự dè dặt thận trọng, tránh né ra tay thẳng thừng. Lý do rất dễ hiểu: tất cả đều không muốn chính quyền Myanmar lún sâu vào vòng lệ thuộc của TQ. Điều đương nhiên là tướng Hlaing hiểu rõ tâm lý này của các nước dân chủ tiên tiến Phương Tây.

Kẻ chủ mưu đảo chính này cũng đã đoán trước được thái độ tỏ vẻ bàng quan của TQ khi đảo chính xảy ra, bởi lẽ, trong cuộc tranh đua ưu thế giữa 2 thể chế dân chủ chủ và toàn trị thì đại diện cho chủ nghĩa độc tài toàn trị như TQ làm sao có thể công khai lên tiếng ủng hộ NLD do bà Suu Kyi lãnh đạo được.
Nhưng liệu chính quyền quân phiệt của xứ chùa Vàng có mặn nồng dài lâu được với người bạn láng giềng bá quyền có chung 2160 cây số biên giới này hay không vẫn còn là một nghi vấn lớn. 
   
   Vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, khi bắt đầu tiến hành Cách mạng Văn hóa đẫm máu thanh trừng, TQ cũng từng bước thực hiện ý đồ nhuộm đỏ châu Á. Một trong những hoạt động đó là ủng hộ phiến quân Cộng sản Miến Điện chống lại chính quyền quân đội. Cuộc biểu tình kháng Trung khổng lồ tại Rangoon vào năm 1967 đã khiến 2 nước đua nhau triệu hồi đại sứ. Sau khi hoàn thành Cách Mạng Văn hóa để nắm quyền trở lại, nước công du đầu tiên của Đặng Tiểu Bình là Myanmar với mục đích bình thường hóa quan hệ.

Sau đó, hai nước này xích lại gần hơn khi TQ đã thừa nhận những đàn áp đẫm máu đối với phong trào dân chủ hóa của chính quyền quân phiệt Miến điện làm chết hàng nghìn người vào năm 1988. Để rồi tiếp bước đàn em, năm 1989, TQ cho xe tăng nghiền nát thân người nơi quảng trường Thiên An Môn. Đồng bệnh tương lân, 2 chính thể độc tài này càng “thông cảm sâu sắc” nhau trước sự lên án của thế giới. Trong những năm bị phương Tây cấm vận vì đàn áp lãnh tụ Suu Kyi, sinh mệnh chính trị của quân phiệt Miến chỉ biết trông chờ vào quan hệ đầu tư và nhập khẩu từ TQ. Tuy nhiên, sự lệ thuộc vào TQ mỗi lúc mỗi lớn cũng như sự ruồng bỏ của Tây phương ngày càng tăng đã làm sống lại ý thức cảnh giác trong nội bộ chính quyền quân phiệt dẫn đến kết quả là tổng thống Thein Sein từ năm 2011 đã bắt đầu rà soát và điều chỉnh lại các quan hệ đối với TQ để dần tiếp cận với phương Tây. Người dân Miến cũng đã khá tỏ tường với những dã tâm “viện trợ phát triển” khi mà nhiều đêm tại những thành phố lớn như Rangoon hoặc Mandalay vẫn thường xuyên bị cúp điện vì 90% công suất của các nhà máy phát điện hợp tác với TQ phải bán lại cho TQ.
Đại dự án thủy điện Myitsone với tổng kinh phí 3,6 tỷ Mỹ kim trên sông Iwaraji, công trình đường sắt Tây Miến nối vào tỉnh Vân Nam cùng nhiều dự án liên doanh khác với TQ bị đình chỉ với lý do “đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân” đã khiến TQ không kém tức giận trước hành động ngỗ ngược của đứa em chư hầu này. Điều khôi hài là vào những năm sau đó, chính quyền dân sự của bà Suu Kyi vốn được xem là “nước và lửa” đối với TQ đã kéo gần quan hệ này lại nhằm bù đắp phần nào các thiếu hụt do chế tài cô lập của phương Tây có mục đích lên án việc đàn áp người Rohingya. 
Thế rồi 3 tuần trước ngày đảo chánh 1/2, biên bản ghi nhớ tái khởi động dự án xây dựng đường sắt cũng như cụm cảng biển khổng lồ mà chính quyền quân phiệt trước đây đã đình chỉ được ký kết trở lại khiến cho ít ai nghi ngờ về hậu thuẫn dành cho cuộc đảo chính cũng như thái độ há miệng mắc quai của TQ trong những ngày qua. 
Bài học trên thật đáng giá cho lãnh tụ Suu Kyi khi đã phải mạo hiểm lân la quan hệ với ông anh bá quyền nham hiểm này. 

   Mặt khác, thái độ không rõ ràng của TQ cũng cho thấy nước này cũng đang khó xử không kém. Nếu công khai lên tiếng phản đối chính quyền quân đội Miến, TQ sẽ phải san sẻ hoặc thậm chí hy sinh các quyền lợi khai thác của mình tại Miến. Đường ống dẫn dầu, khí đốt dài 870 cây số từ cảng Kyaukpyu tiếp giáp Ấn độ dương có mục đích chiến lược thay thế cho hải lộ vận chuyển xuyên eo biển Malacca và ngang qua Biển Đông, biển Nhật Bản, chắc chắn sẽ gặp nhiều trắc trở. Kết quả dẫn đến là Miến điện hoàn toàn bị cô lập trở lại. Một khả năng có thể xảy ra vào lúc kiệt quệ đó là Mỹ có thể thỏa thuận chấp nhận phần lợi ích trong chiến lược “1 vành đai 1 con đường” của TQ tại Miến điện để đổi lấy sự dàn xếp hòa bình vấn đề Rohingya có sự chỉ đạo của TQ. 
Ngược lại, nếu TQ không ký tên vào các kiến nghị chế tài của LHQ và mạnh mẽ ủng hộ chế độ quân phiệt Miến thì điều này có nghĩa như một cuộc tuyên chiến với các nước dân chủ. Hongkong sẽ bị trù dập nặng nề hơn, Nội Mông sẽ đổ máu hơn, Tân Cương tiêu điều, Tây Tạng tan hoang...và chính thể độc tài lại có cơ hội sống thêm tại các quốc gia lân bang khác. Đây cũng là lúc các nước tự do dân chủ sẽ nhất quán hơn để liên kết vận dụng dư luận hòng khôi phục sức mạnh chính nghĩa.

   Ván cờ thế cuộc của Myanmar vì thế sẽ hoàn toàn không đơn giản phiếm diện, nhưng đồng thời tiềm ẩn những cơ hội mang lại nhân quyền và dân chủ cho xứ sở này nếu các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ biết ra tay đúng liều đúng lượng.
Tuy nhiên, quan trọng và tiên quyết hơn cả chính là lòng dân, ý dân và quyết tâm của người dân Miến mới là câu trả lời đích thực nhất cho tương lai của đất nước chùa Vàng. 
Cho đến hôm nay, phong trào đình công bãi thị phản đối quân phiệt đã lan rộng cả nước. Máu người đã đổ trên nhiều tỉnh thành. Một lần nữa người dân Miến đã cho thấy khát khao tự do vô bờ của mình cho dù chính thể dân chủ gầy dựng bằng xương máu của họ đã lao đao lận đận ngay trong 10 năm đầu đời. Nhà sử học Thant Myint U đã tiên liệu rằng: Cuộc quyết đấu giữa súng đạn quân đội với dũng khí và đảm lược của đoàn người biểu tình trong vài tuần sắp tới sẽ quyết định ngã rẽ của dân tộc này. 

   Con đường xác lập nền dân chủ, từ xưa đến nay, chưa bao giờ là con đường không chông gai, thậm chí là nếu không khó khăn, không đối lập bộn bề thì không phải là dân chủ. 
Dù sao chăng nữa, khi chứng kiến những dòng người cuồn cuộn hô vang khẩu hiệu đả đảo độc tài trong những ngày qua tại Rangoon, Hinthada, Pathein, Dawei, Mandalay, Bago, Hpaan, Naypyitaw, Maubin, Penwegon.... những người yêu chuộng tự do trên trái đất này chắc chắn đã được thắp lửa trong tim và khẳng định thêm niềm tin vào thể chế dân chủ đích thực.

Hãy cho anh giận bằng ngực em
Như chúng bắn lửa thép vào
Môi son họng súng....
Trong dây xích chiến xa tội nghiệp
Anh sẽ sống bằng hơi thở em
Hỡi những người kế tiếp
(Thanh Tâm Tuyền)

   Xin kính cẩn nghiêng mình trước những thân người đã ngã xuống cho quê hương Miến điện của họ, cũng là cho những giá trị tự do bất tuyệt của cõi đời này.

​
Ki
ều​ Khang


Picture
0 Comments

Hoa ngày 8 tháng 3

25/2/2021

0 Comments

 
Picture
   Những ngày cuối tháng 2 này trời đã vào xuân, chiều Đông Kinh xanh biếc một màu, rặng mơ đầu phố đã bắt đầu chớm nụ đón những làn gió ấm đầu tiên. Đây đó trên mạng xã hội đã lác đác những lời nhắn nhủ, những tiếng tự tình về ngày 8 tháng 3, ngày quốc tế phụ nữ. Với nhiều chị em, đây là một ngày đặc biệt theo ý nghĩa của từng người. Với em cũng vậy, vì nó giúp em lắng đọng lại những suy tư.

​   Thuở bé thơ, đây là ngày cha tặng mẹ một cành hồng, và cha nhất định sẽ dành thời gian cho mẹ con em. Tuổi đôi chín, em bắt đầu nhận được hoa hồng, và nhiều hơn những sự quan tâm. Những ngày đầu quen anh, giống như các chị em cùng lứa, cứ mỗi dịp hoa đào tàn sau Tết, lòng em lại bâng khuâng tự hỏi loài hoa mới nào anh sẽ tặng riêng em.

   Mỗi một loài hoa anh mang đến là một sự rung động rất khác đối với em. Có những cành hoa rất đẹp được trang trí trong bình thuỷ tinh, có những bông hoa rất tươi trên đôi môi hồng, nhưng cũng có rất nhiều bông hoa ướt đẫm mồ hôi trong sự nhọc nhằn. Có những mùi thơm ngạt ngào như hoa sữa mùa thu Hà Nội quê cha, cũng có những mùi hương dịu ngọt như hoa gạo đầu mùa quê mẹ, nhưng cũng có những vị mặn đắng lăn trên gò má gầy.

​   Em đã từng hỏi anh, vị mặn đắng từ gió biển quê anh hay từ giọt mồ hôi dưới ánh nắng miền Trung lửa đốt? Anh bảo, cả từ những giọt nước mắt của người mẹ, người chị quê mình. Mẹ thương cha bám biển nhưng biển đã không còn hiền hoà, chị thương anh phải bỏ quê xa xứ đi lao động vì quê mình giờ chẳng còn tương lai. Cùng là những nhành hoa được nuôi dưỡng từ lòng đất mẹ Việt Nam, nhưng tại sao lại có những cánh hoa không tỏa sắc khi xuân đã về?

   Anh vẫn “nịnh”, em là đoá hoa đẹp nhất, khi hướng về quê mẹ. Nhưng em hiểu một cánh hoa toả hương không đem lại mùa xuân, và mùa xuân thật sự chỉ đến khi mọi cành hoa đều đâm chồi. Em sẽ không cần những cành hoa mỗi dịp 8 tháng 3 nữa, vì mỗi ngày hoa luôn nở trong lòng em.

Cảm ơn anh,
Tokyo ngày đầu xuân,
Ngọc Hân​

0 Comments

NHỮNG TẾT THA PHƯƠNG CỦA CỤ PHAN BỘI CHÂU

11/2/2021

0 Comments

 
Picture
LỜI TỰA
​

Trong tâm khảm của mọi người , Phan Bội Châu ( 1867-1940 ) là một chiến quốc gia kiệt xuất , với tinh thần yêu nước nồng nàn , tiêu biểu cho tầng lớp thanh niên nam nữ , qua nhiều thập niên đầu thế kỷ XX , khi tham gia các phong trào chống giặc Pháp cứu nước . Nghiên cứu văn chương Phan Bội Châu , các thế hệ sau này đều ngây ngất trước những dòng thơ dậy sóng , tâm huyết , xúc cảm , gần như đã đạt tới phong cách chân thiện mỹ của mọi thời đại . Theo sử liệu , những năm cuối thế kỷ XIX , tình hình đất nước thật bi thảm , hầu hết các phong trào chống Pháp lần lượt bị tan rã , những cái chết oanh liệt của Cao Thắng , Đinh Công Tráng , Phan Đình Phùng , Mai Xuân Thưởng .. nên dường như chỉ còn có lực lượng của Hoàng Hoa Thám , đang đơn độc chiến đấu trên rừng núi Yên Thế. Nhưng dân tộc VN vốn có truyền thống chống xâm lăng từ ngàn xưa nên tầng lớp khoa bảng sĩ phu trong các phong trào Văn Thân - Cần Vương vừa nằm xuống , lập tức đã có ngay một tầng lớp Nho sĩ trí thức trẻ tuổi đầy nhiệt huyết , đứng lên kế vai gánh vác trách nhiệm còn dang dở của cha anh . Đó chính là những phong trào Duy Tân , Đông Du , Đông Kinh Nghĩa Thục , Việt Nam Quốc Dân Đảng ... ngay từ đầu thế kỷ XX cho tới khi giặc Pháp bị đánh đuổi ra khỏi non nước Việt . Trong bối cảnh đó , từ năm 1905 Phan Bội Châu đã bắt đầu một cuộc dời bôn ba nơi hải ngoại , hết Thái Lan , Trung Hoa tới Nhật , ở đâu cũng là kiếp sống không nhà . Trước khi bước chân xuống tàu xa cố quốc , Phan Bội Châu Có làm bài thơ thất ngôn bát cú "Xuất dương lưu biệt" với lời lẽ thật hào hùng , tư tưởng vô cùng mới mẻ , nói lên sự quyết tâm ra hải ngoại tìm đường cứu nước , của nhà cách mạng trẻ tuổi trí thức xứ Nghệ . "Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân" , khúc mở đầu cái triết lý sống vui , sống vội mà Đỗ Phủ đã nhắc tới từ ngàn năm trước . Đây cũng là quan niệm chung của thế nhân , đứng trước sự đổi thay của thời gian , bởi mỗi năm mỗi tuổi như đuổi xuân di . Vì vậy hầu hết đều cố tìm cách hưởng lạc , kẻo thời gian qua mất vì tuổi già chẳng đợi chờ ai . Nhưng đối với Phan Bội Châu , thì những năm tết nước người , coi như không biết thế nào là hoa pháo và niềm hạnh phúc gia đình . Hỡi ôi đời người , dù là chăng nữa , chắc hẳn sẽ không khỏi có giây phút chạnh lòng , nhất trong cái giờ khắc thiêng liêng , lúc năm cũ gần tàn , khi mọi nhà đều chặt cửa cài then , đều cười vui hạnh phúc , đón mừng năm mới . Chính trong giây phút này , những kẻ bơ vơ không nhà cửa , mới cảm thấy lạc lõng trơ trọi giữa bóng tối và đêm mưa lạnh lẽo nơi đất lạ quê người. Đây chính là cảnh buồn của lính trận và những nhà cách mạng quốc gia trong giây phút cuối cùng của ngày tàn tháng tận , họ làm gì có được một chỗ đứng , dù nhỏ nhoi , trước bàn thờ tiên linh mà sụt sùi giọt thương niềm nhớ. 
Lại một tối ba mươi tết nửa sắp qua , mà ta và còn hằng triệu người vẫn không nhà không cửa , phải yên lặng nép mình bên hiên người trong cô đơn hiu hắt như từ trăm năm trước Phan Bội Châu và các chiến sĩ quốc gia trong phong trào Đông Du từng cảm nhận , qua nhiều năm bôn ba khắp các nẻo đường hải ngoại . Theo sử liệu , lúc bấy giờ trong đoàn người nam nữ dấn thân cứu nước có hơn vài trăm người , ai cũng đều chứng kiến được nổi gian truân tân khổ của đời tha phương hoài cố quốc . Các sự kiện lịch sử trên đã được Sào Nam ghi lại một cách cảm động trong Phan Bội Châu niên biểu và một bài ký sự đặc biệt đăng trên báo Phong Hóa Ngày Nay , của Tự Lực Văn Đoàn vào năm 1939 .


NHỮNG TẾT THA PHƯƠNG TẠI NHẬT

Trong khi tại Việt Nam xuân về tết đến , vạn vật cỏ cây xanh tốt khoe hương , thì nước Nhật đang lúc đông sang , trời rét căm căm , buốt cóng dưới nhiệt độ từ 0 độ C tới – 50 độ C nên tuyết gần như nhuộm trắng đất trời , vùng Hokkaido , Nigata . . ở Bắc đảo , tuyết dày cả thước , cho tới cuối tháng hai âm lịch vẫn chưa tan hẳn. Từ khi Minh Trị Thiên Hoàng canh tân đất nước nhưng Nhật vẫn giữ nguyên tập quán cũ , cả nước hầu hết đều ăn tết theo âm lịch và ngày Nguyên Đán mùng một tháng giêng được gọi là ngày Gantan . Lúc này tiết trời vô cùng lạnh lẽo , chính người bản địa còn chịu không nổi , thì thử hỏi người Việt Nam quen sống trong khí hậu miền nhiệt đới , sẽ khổ sở đến bực nào ? Căn cứ vào những trang nhật ký ghi trong "Tự Phán" của Phan Bội Châu , cho biết vào cuối năm Mậu Thân 1908 , vua Thành Thái , phong trào Đông Du nở rộ hơn bao giờ hết . Trong thời gian này , có hơn 400 nam nữ thanh niên VN khắp ba kỳ , xuất dương theo Phan Bội Châu , học tại Đồng Văn thư viện và Trấn Võ học hiệu trên đất Nhật . Giữa lúc hy vọng tràn trề , thì thực dân Pháp đem quyền lợi tại thuộc địa Đông Dương , chia sẻ với quân phiệt Nhật Bổn , để yêu cầu chính phủ nước này , đuổi hết thanh niên nam nữ VN , đang theo Cường Để và Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du . Thế rồi lệnh trục xuất đã được ban hành, tất cả học sinh người Việt phải rời Nhật trong vòng hai tuần lễ. Riêng Phan Bội Châu được gia hạn thêm một tuần lễ. một tuần lễ . Trong suốt thời này , vì là người đứng đầu , nên ông phải có trách niệm trả nợ cho mọi người , từ tiền ăn uống tới chi phí học hành , ngụ trọ . Theo tài liệu ghi lại , Sào Nam lúc đó không có tiền bạc gì cả . Đây cũng là thực trạng chung của hầu hết những người Quốc Gia dấn thân hy sinh cứu nước , không giống như Việt Cộng từ đầu tới cuối đều được đệ tam Cộng sản quốc tế và khối xã hội chủ nghĩa cưu mang yểm trợ tối đa từ tiền bạc cho tới mọi thứ trên đời . Nhưng người vì nước luôn có người tốt phù trợ , nên Phan Bội Châu đã được nhiều nhà quí tộc Phù Tang như Văn bộ đại thần kiêm Thủ tướng Khuyển Dưỡng Nghị và phú gia Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang , giúp tiền mua vé tàu thủy cho các du sinh Việt Nam từ Nhật về nước hay sang Trung Hoa Xiêm La. Ngoài ra còn giúp thêm 2700 đồng để thanh toán hết các chi phí nợ nần. Mọi việc giải quyết xong xuôi thì thời gian cũng vừa dùng chiều ba mươi Tết Nguyên Đán nhưng tất cả người thân bao lâu cùng bôn ba nơi đất người , nay đã trở về cố quốc , chỉ còn lại có một mình Phan Bội Châu đón xuân trong cảnh vắng ngắt lạnh lùng chốn quê người , đâu đâu cũng chỉ thấy có tuyết lạnh mà thôi , vì các cửa hiệu hầu như đều đóng cửa nghỉ tết. 
Tết ! Tết Nhật Bản rồi . Xưa nay nước Nhật vui xuân cũng giống như người Việt , nhất là ở thôn quê và các vùng ven đô thị . Nói chung , chỉ người Nhật theo đạo Thiên Chúa mới ăn mừng lễ giáng sinh và đón tết theo dương lịch nhưng không tổ chức ngoài việc tụ tập trước Hoàng Cung để chúc tết Nhật Hoàng và Hoàng gia mà thôi . Theo Phan Bội Châu ghi lại , thì Tết Nhật chỉ vỏn vẹn có nửa ngày . Tuy vậy nước này vẫn theo đúng các tập tục của Á Đông , duy trì các tục lì xì và lễ tết cho thầy cô giáo và những thượng cấp . Tại Nhật ngày tết cũng có trồng cây nêu gọi kadomatsu , thường được bày bán trên hè phố vào khoảng hạ tuần tháng mười hai . Thật ra kadomatsu chỉ là ba cây tre tươi cắt chéo , cây giữa cao hơn , có thêm vài cành thông và được quấn lại bằng rơm . Nhiều nhà khi mua về , còn treo thêm các mảnh giấy màu trắng cắt xoắn , gọi là shimenawa , cắm ở giữa cửa chính để trừ tà . Bên trong cũng có bàn thờ gia tiên nhưng nhỏ và đặt ở một góc nhà , chứ không để ở chính diện như các gia đình người Việt . Cũng có bánh dầy ( omochi ) , hoa quả và đặc biệt có một địa bầy con tôm giả với rong biển , mà người Nhật nói là để tượng trưng cho tuổi thọ . Tết Nhật cũng có lễ đón giao thừa nhưng khác với người Việt , vì không cúng kiếng đón ông bà ở nhà , mà kéo nhau tới lễ bái tại các Jinra ( Thần xã ) , tức là các ngôi đền của Thần đạo ( Shinto ) mà làng nào cũng có . Ngoài ra người Nhật cũng tới lễ cúng tại các Otera ( Chùa ) thờ Phật và các vị thần linh và bỏ tiền vào các thùng công đức ( phước sương ) . Ngày tết đặc biệt nam cũng như nữ ở thôn quê , hầu như mặc kimono và mang đôi geta guốc gỗ ) . Điểm đặc biệt là người Nhật không đốt pháo vào ngày tết vì mùa pháo nhằm vào tháng tám hằng năm . Do thời tiết quá lạnh lẽo , nên phần lớn người Nhật lợi dụng dịp tết để nghỉ ngơi , thăm viếng mộ phần các người thân trong gia đình hay tụ họp quanh lò sưởi để uống Saké . Để thay tiếng pháo , là các bài hát ca tụng tinh thần võ sĩ đạo của người Nhật như bài Đại Hòa Hồn , được cất vang lên khắp các ngõ ngách , khu phố . Rồi còn có chiếu phim ở các nơi công cộng . Tết quê người thật buồn nên Cụ Phan chỉ còn biết giam mình trong bốn bức tường lạnh , hiu hắt nhìn tuyết rơi trắng xóa bên ngoài , qua khung cửa sổ , để gặm nhấm nỗi nhớ nhà , thương nước và xót cho thân phận nhược tiểu Việt Nam . 
Trước khi rời nước Nhật , Phan Bội Châu được Khuyển Dưỡng Nghị và Bá Nguyên Văn Thái Lang dần dò nên trở lại sau khi tình hình bớt căng thẳng và khuyên nên hết sức bí mật để tránh tai mắt của mật thám Pháp. Do đó vào năm Duy Tân thứ 5 , Sào Nam lại đáp tàu thủy từ Trung Hoa sang thành phố hải cảng Trường Kỳ, cũng vào đúng ngày 30 tháng Chạp . Do sợ mật thám Pháp theo dõi gây khó khăn cho chính phủ Nhật, nên Phan Bội Châu không dám dùng xe lừa hay tàu thủy để tới Tokyo , mà chỉ đi bộ. Đường xa lại ngày Tết , nên Sào Nam vô cùng khổ sở . Dọc đường không dám mở miệng với ai , chỉ khi nào gặp được nhà hay người Hoa , thì mới tự xưng mình là Hoa kiều từ Quảng Đông qua Nhật làm ăn nhưng bị thất nghiệp , nên phải hành khất . Tóm lại như đã ghi trong Phan Bội Châu niên biểu , thì ông đã đi ăn xin mười ngày , khi đi bộ từ Trường Kỳ tới Đông Kinh , lần thứ hai . Dọc nhật ký của người chiến sĩ cách mạng quốc gia , sao mà thảm thiết quá , đâu có khác gì kiếp đời của những quân , công , cán , cảnh VNCH...sau năm 1975 mãn tù , từ trại giam về quê nhà , cũng phải hành khất thiên hạ để xin cơm và phương tiện , vì có mấy ai còn tiền bạc , sau khi đã bị VC trấn lột hết lúc bước vào cổng nhà tù . 

TẾT TRÊN ĐẤT TÀU 

Những ngày hoạt động trên đất Tàu , Phan Bội Châu gần như bôn ba khắp mọi nơi , từ Bắc Kinh , Thượng Hải xuống tới Hoa Nam , nhất là các tỉnh Quảng Đông , Quảng Tây và Vân Nam , sát biên giới Hoa - Xiêm - Lào - Việt. Tết Tàu và Việt Nam từ ngàn xưa do ảnh hưởng của các yếu tố lịch sử , nên gần giống nhau qua các phong tục , nhắm vào phần nghi lễ "Tống cựu" , bắt đầu với lễ cũng tiến Táo quân về trời vào đêm 23 tháng chạp và trở lại dương thế , trong buổi chiều cuối năm . Cùng thời gian này , mọi người dù ở thôn quê hay thành thị , đều lo dự trữ nước dùng cho đầy đủ trong mấy ngày Tết . Sau đó làm lễ Phong Tỉnh , cúng và đậy kín miệng giếng cho tới mồng hai năm tới , mới mở giếng bằng lễ khai tỉnh , cùng với bánh kẹo nhang đèn . Rồi thì lo quét dọn nhà cửa trong ngoài vào ngày 30 tháng chạp , cho tới hết ngày mùng ba năm mới . Tập tục kiêng cữ này được bắt nguồn từ câu chuyện Âu Minh đi buôn bán ở phương xa , được thân nhân tặng cho một cô hầu xinh đẹp tên Như Nguyệt , nên từ đó làm ăn rất phát đạt . Năm kia vào ngày Tết , trong lúc quá nóng giận , nên đánh cô ta làm nàng sợ hãi trốn vào đống rác và biến mất . Từ đó Âu Minh làm ăn thất bại và sạt nghiệp , nên mới phát sinh ra tập tục tảo địa , kiêng cữ quét rác trong ba ngày Tết , để tránh mất mát những sự may mắn trong nhà . Ngoài ra vào ngày cuối năm , hầu như nhà nào cũng cùng nước ông bà hay tổ chức tiệc đoàn tụ cuối năm trong gia đình , để con cái mừng tuổi ông bà cha mẹ và nhận tiền lì xì mừng năm mới . Sau lễ cúng giao thừa là năm mới với nhiều nghi lễ Nghênh Tân như cúng ông bà cha mẹ vào ba ngày tết , thăm viếng , lễ chùa , xin xăm hái lộc... Cũng trong nghi thức tống Cựu còn có lễ phong môn nhà cửa bằng hai miếng giấy đỏ dán chéo vào nhau , trên có viết khai môn đại cát " , cửa được mở vào lúc giao thừa Tóm lại Tết Tàu lẫn Tết Ta , đều là những ngày trọng đại , vui vẻ và náo nhiệt nhất trong năm . Với truyền thống các dân tộc Á Đông nói chung thì Xuân tiết được bắt nguồn từ lễ Lạp Tế vào tháng chạp , từ lúc xã hội còn nguyên thủy . Rồi theo thời gian , lễ này biến thành phong tục khánh chúc năm mới , trong đó có các nghi lễ cúng tế thần linh và tổ tiên trong gia đình . Theo Phan Bội Châu đã ghi lại , thì tết của người Trung Hoa vào thời đó , cũng không khác bây giờ là mấy , phần lớn là niềm vui trong gia đình , nhất là tại miền quê . Nói chung đối với người Tàu hay người Việt , thì ngày Tết là dịp duy nhất trong năm để mọi người quay về nhà đoàn tụ với người thân . Cho nên những ngày thiêng liêng này , nếu những ai còn lạc lõng bơ vơ nơi xứ lạ , hầu hết là những kẻ bất hạnh , nên người sắt đá như Phan Bội Châu , trước cảnh cô đơn nơi xứ người , cũng cảm thấy hiu hắt buồn rầu . Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ , nhất là khắp các nơi chốn ở trên đất Trung Hoa , hầu như chốn nào tập quán cũng ít nhiều hao hao giống quê nhà . Đây là sự thật vì cả vùng rộng lớn , Chiết Giang , cái nôi của nền văn hóa Ngô Việt , xuống tới Phúc Kiến ( Mân Việt ) , Lưỡng Quảng và Vân Nam ( Âu Việt ) . Cùng với Việt Nam ( Lạc Việt ) , đều có nguồn gốc phát xuất từ Bách Việt , với những phong tục tập quán , vẫn còn được duy trì và tồn tại tới ngày nay . Đọc ký sự của người chiến sỹ quốc gia năm nào , càng thêm chua chát đắng cay , qua những lời viết khôi hài cười ra nước mắt , khi ông cho biết trong ba ngày Tết , cả nước Tàu bỗng dưng hiền khô và dễ thương , nên ông đi đâu cũng được thiên hạ ân cần mời cơm ăn , rượu uống , làm cho người lạc xứ phải say mềm , phần vì rượu nhưng trên hết vẫn là say cái cảnh đầm ấm hạnh phúc nới đất người . 

TẾT THA PHƯƠNG Ở XIÊM LA 

Thời Pháp thuộc , số lượng của Việt kiều sinh sống tại Thái Lan không ai biết được , kể cả chính quyền Xiêm La và thực dân Tây ở Đông dương , ngoại trừ những tổ chức cách mạng bản địa . Sở dĩ có vấn đề đó là vì hầu hết Việt kiều tại Thái Lan đều tham gia vào các lực lượng chính trị , do đó không ai muốn cho là Lãnh sự Pháp tại Xiêm La , biết rõ lý lịch để mang phiền luỵ hay bị bắt bớ. Phần khác đa số người Việt tại Thái do mặc cảm bị quốc nhục khi tới đây, qua những lời hạ bạc như "Xào Mương Khữu" tức "Dận Vong Quốc" hay "Keo, Duồn, Khẩu, Nậm" tức "Thằng An-Nam kiếm ăn ở nhờ".  Cũng vì vậy mà ai cũng muốn học tiếng Thái và cố gắng làm ăn cho có tiền , để mau chóng được nhập tịch Thái . Có vậy họ mới thoát được pháp lý , vì không phải là người Việt Nam đang bị thực dân thống trị tại Đông Dương. Từ sau năm 1954 , VNCH có liên hệ ngoại giao với Thái Lan , nên phần nào tổng kết được một cách đại khái số lượng Việt kiều và những địa phương có đông người Việt cư ngụ trên đất Thái như : Na Khon , Nong Khai , U Bon , Mar Keng , Ou Then , Xieng May... Căn cứ vào báo chí của Người Việt xuất bản tại Thái , thì Người Việt đến đây qua bốn đợt , bắt đầu từ thời Minh Mạng ( 1820-1840 ) cấm đạo Thiên Chúa , thời kỳ thứ hai ( 1885-1897 ) xảy ra phong trào Cần Vương đánh Pháp , thời kỳ thứ ba chiến tranh biên giới Lào - Thái vào năm 1939 và thời kỳ cuối cùng chiến tranh Đông Dương . Thái Lan hiện có 10 tỉnh trong đó hai tỉnh lớn nhất là Korat ( Kho Rat ) và Udon ( Oudonne ) , chiếm tới 2/5 diện tích cả nước . Theo sử liệu , hai tỉnh này là lãnh thổ của Lào , nằm phía bên kia sông Cửu Long , đã bị Xiêm La dùng bạo lực cưỡng chiếm. Hai tỉnh này có rất nhiều kiều Việt trú ngụ , tại các Phủ Na Khon , Houthène , Sakhon , Counfvapit , Nong Khai , Bang Hen , Khon Khen Ta Bot , Loeul , Fanranat , Phanonte , Nakes , Mouk... Ngoài ra Việt kiều còn ở rải rác tại các tỉnh Parnamfo , Fichit và Chiengmay thuộc miền tây bắc Thái . Riêng thủ đô Vọng Các có Việt kiều sinh sống , mặc dù đây là thương cảng , có bến tàu từ tứ xứ tới . Thời đó để đối phó với các chức chính trị của người Việt , từ Việt Nam và Trung Hoa sang đất Thái , nên thực dân Pháp đã đặt Tòa Lãnh sự và một mạng lưới công an mật thám như mạng nhện , để giăng bắt những nhà cách mạng tới đây hoạt động . Do đó Vọng Các cũng là nấm mộ đã chôn không biết bao nhiêu nhà ái quốc chí sĩ Việt Nam. Chính Tăng Bạt Hổ , Mai Lão Bạng , Lưu Khai Hồng, Đặng Thái Thuyên , Lê Đại , Ngô Chính Quốc , Đặng Tử Mẫn , Bùi Chính Lộ..những chiến sĩ của phong trào Đông Du , Quang Phục và Thanh Niên Đồng Minh hội .. đều rơi vào cạm bẫy của thực dân Pháp tại Vọng Các . Riêng Phan Bội Châu vào năm 1911 , đã may mắn trong gang tấc thoát được mật thám Pháp cũng ở nơi này . Do trên trong "Tự Phán" Phan Bội Châu viết rằng Vọng Các là một hang hùm , ổ rắn độc của chúng ta . Đặng Thúc Hứa tự Ngô Sanh người Nghệ An , là đồng chí của Cường Để , Nguyễn Thượng Huyền , Phan Bội Châu trong phong trào Đông Du , Duy Tân và Việt Nam Quang Phục Hội , từng tới Nhật theo học Trường Khổ Công Học Hiệu tại Đông Kinh . Năm 1908 , sau khi bị chính quyền sở tại trục xuất , Đặng Thúc Hứa được lệnh của tổ chức tới Xiêm La , để lãnh đạo các tổ chức cách mạng Việt Nam tại đây . Trước khi phong trào Đông Du từ Nhật sang Xiêm La , Việt kiều tại Thái dù chưa có một chức cách mạng nào , dù đa số đều thuộc các đội nghĩa quân Cần vương miền Nam của Trương Công Định , Thủ Khoa Huân , Nguyễn Trung Trực , Thiên Hộ Dương , Phan Thanh Tòng .. hay ở miền Trung của các lãnh tụ Trần Hải , Tôn Thất Thuyết , Trần Xuân Soạn , Lê Trung Đình , Nguyễn Hiệu , Mai Xuân Thưởng... sau khi các căn cứ bị Pháp phá vỡ , đã theo đường biển , đường núi , xuyên qua Hạ Lào , Cao Miên , chạy sang đất Thái , để xây dựng các cơ sở cách mạng tại Oubon , XỈ Xã Kệch...nhờ vua Thái là Fraonchant 6 che chở , từng nhiều lần vượt sông Cửu Long , tấn công các đồn Pháp tại Paks1 , Attopeu.. ở Hạ Lào. Từ năm 1908 về sau , qua sự lãnh đạo của các chỉ sĩ cách mạng trong phong trào Đông Du , cơ sở cách mạng của Việt kiều tại Thái Lan đã phát triển rất nhiều như Bạn May , Bạn Vatapas , Bạn Banboche , thuộc tỉnh Lakhon . Ở phủ Oudonne Có Bạn Nôông Bùa , Bạn Nôông Ổn . Khi Phan Bội Châu tới Xiêm , đã lập Bạn Đông Thầm tại Phi Chịt , với các nam nữ chiến sĩ can trường , hùng liệt được người địa phương gọi là "Sửa Mường Thày" ( Cọp ở Thái ) . Đó là Võ Trọng Đài , Lê Xuân Ngân , Nguyễn Trung Chánh , Nguyễn Tài , Nguyễn Đức Thảo , Trạch Phong.. Tóm lại sau ngày phong trào Đông Du tại Nhật Bổn bị tan vỡ , một nửa cơ sở sang Tàu , phần còn lại tới Xiêm tiếp tục hoạt động cách mạng , với các lãnh tụ Phan Bội Châu , Tăng Bạt Hổ , Đặng Tử Kính , Đinh Doãn Tế , Đặng Thúc Hứa , Võ Trọng Đại , Nguyễn Thức Đường , Mai Lão Bạng . Năm Tân Hợi 1911 cuộc cách mạng lật đổ nhà Mãn Thanh ở Trung Hoa thành công như một luồng gió mới thổi vào các chiến sĩ cách mạng Việt Nam đang bồn ba đấu tranh chống thực dân Pháp tại hải ngoại . Từ đó tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội ra đời ở Tàu và trong các địa phương tại Thái Lan có Việt kiều cư ngụ . Vì vậy Phan Sào Nam lại phải rời đất Xiêm sang Tàu và giao các cơ sở cách mạng ở đây cho Đặng Tử Kính , Võ Trọng Đài và Đặng Thúc Hứa. Dưới sự lãnh đạo của Việt Nam Quang Phục Hội , các tổ chức chính trị của Việt kiều tại Thái Lan đã hoạt động rất tích cực , từ việc ấn hành các tài liệu cứu nước như Ái quốc ca , Ái chủng ca , Ái đoàn ca , Hoán tình quốc dân , Quang phục quân phương lược... Song song , Việt Nam Quang phục hội còn cử Tùng Nham Nguyễn Văn Ngôn, Ngôn , từ Xiêm về Việt Bắc , giúp Hoàng Hoa Thám đẩy mạnh cuộc chống Pháp tại căn cứ Yên Thế , Phồn Xương Thái Nguyên . Lại cử Sư Ông Rau về Cao Mện và Nam Kỳ lập các tổ chức Việt Nam Quang phục cách mạng. 
Thế chiến 2 tại Âu Châu , Pháp bị Đức đánh bại phải đầu hàng một cách nhục nhã . Dựa vào thời cuộc quốc tế , Phan Bội Châu chuyển hướng đấu tranh bằng võ trang khắp nơi trong nước , như vụ Hà Thành đầu độc , cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên của Trịnh Văn Cấn - Lương Ngọc Quyến , ném bom Hà Nội - Thái Bình , cuộc khởi nghĩa của Vua Duy Tân - Thái Phiên - Trần Cao Vân ở Huế.. Đồng lúc từ các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây , các nhà cáh mạng Việt Nam Quang Phục Hội gồm Nguyễn Hải Thần , Hoàng Trọng Mậu và Nguyễn Thúc Đường , chỉ huy ba đạo quân Việt Quốc , kéo về tấn công các đồn Pháp ở biên giới Hoa - Việt . Trong nội dịa nước Thái , Việt kiều trong tổ chức Quang Phục Hội , qua sự giúp đỡ của Tòa Lãnh sự Đức ở Vọng Các , nên cũng tổ chức được 3 đạo Nghĩa quân , dưới quyền chỉ huy của Đinh Doãn Tế , Ngô Quang..vượt sông Cửu Long , tấn công các đồn binh của thực dân Pháp tại biên giới Thái - Lào ở Hin Bun , Savannakhek , Pakse.. Ngày 11 tháng 5 năm Ất Sửu nhằm tháng 7-1925 , Phan Bội Châu từ Hàng Châu lên Thượng Hải , định đáp tàu thủy về Quảng Đông , để kịp dự cuộc tế lễ , kỷ niệm cái chết của liệt sĩ Phạm Hồng Thái , do các đoàn thể cách mạng Việt Nam hải ngoại tổ chức . Nhưng không ngờ khi tới ga Bắc Tạm , Phan Bội Châu bị Việt gian chỉ điểm cho mật thám Pháp bắt cóc , chở bằng tàu hải quân về Hà Nội để tử hình . Tuy nhiên giặc Pháp đâu ngờ rằng , sau tiếng bom của người chiến sĩ Phạm Hồng Thái nổ tại Sa Điện , đã làm người Việt trong và ngoài nước bừng bừng nổi dậy . Vì vậy vừa nhận được tin Lãnh tụ Phan Bội Châu sắp bị thực dân đem lên máy chém, thế là đồng bào từ Nam và Bắc , Sài Gòn , Hà Nội , Huế hay bất cứ nơi nào , sinh viên học sinh , nông dân thợ thuyền người bình dân cho tới hàng trí thức lớp lớp ào ạt đình công bãi thị , biểu tình đòi Pháp phải ân xá ngay cho vị anh hùng dân tộc Việt Nam . Tại Thái Lan , Việt kiều qua sự lãnh đạo của các nhà cách mạng Việt Nam Quang Phục Hội như Đặng Thúc Hứa , Võ Trọng Đài , Cố Khôn , Thạch Phong , Lưu Khai Hồng..bất kể thuộc thành phần nào Công giáo hay đạo Phật , khắp nơi trên đất Thái , từ Oubon , Vọng Các đến các xứ đạo Tha Hệ , Noóng Xến , đã tranh đấu bằng đủ mọi hình thức như biểu tình trước sứ quân Pháp Bangkok , đăng báo bằng Thái và Anh ngữ cũng như nhờ các Cha xứ ,  vận động Tòa Thánh La Mã , Pháp phải ân xá cho Phan Bội Châu . Do tất cả các lý do trên , khiến giặc Pháp không dám giết Phan Sào Nam chứ thật ra chúng chẳng nhân đạo gì , nhất là đối với người lãnh tụ phong trào Đông Du kiệt liệt và có uy tín nhất với người Việt và hải ngoại lúc đó , cũng như mãi mãi sau này . Cũng từ đó về sau , dù Phan Bội Châu làm thân cá chậu chim lồng trong tử địa tại Bến Ngự - Huế nhưng tiếng tăm của ông , cộng với tiếng bom Sa Điện và dư âm của hàng triệu người đã tham dự ngày quốc táng lãnh tụ phong trào Duy Tân là Phan Chu Trinh , đã mở đường cuộc đấu tranh giành độc lập cho đất nước của nhiều đảng phái chính trị như Việt Nam Quốc Dân Đảng , Tân Việt Cách Mạng Đảng , Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội ( Việt Minh ) , Hội kín Nguyễn An Ninh .. nam nữ các thế hệ VN , nối tiếp con đường cứu nước dang dở của các sĩ phu Văn Thân Cần Vương , Hàm Nghi , Thành Thái , Duy Tân Cường Để , Phan Chu Trinh , Huỳnh Thúc Kháng ..và nhất là Phan Bội Châu .. cho tới khi cả nước , đồng chiến đấu chung trong Mặt Trận Việt Minh , đánh đuổi được giặc Pháp , ra khỏi bờ cõi Hồng - Lạc vào tháng 7-1954 .
Theo những trang ký sự còn ghi cho thấy Phan Bội Châu đã sống lưu vong nhiều năm trên đất Thái . Theo ông , Tết ở Xiêm chỉ chú trọng tới lễ Phật là trên hết , tuy nhiên đối với người Việt Nam vẫn có nhiều khác biệt , dù hai đều tới chùa cúng lạy với hương hoa trà quả và pháo nổ vang trời . Nhưng đó là đối với Tết Xuân của người thiên hạ , với Phan Bội Châu lúc đó đang sống với các đồng chí tại đồn điền Bạn Thầm . Đây một miền đất hoang vu chừng 30 mẫu , được chính phủ Thái cấp cho các nhà cách mạng lưu vong Việt Nam như Đặng Tử Kính , Đặng Ngọ Sinh .. tất cả chừng 40 người . Lúc Phan Bội Châu từ Nhật tới đây , cũng đã cùng anh em dùng hai bàn tay trắng , khai phá đất hoang để kiếm gạo nuôi sống hàng ngày . Lúc đó ai cũng lao động suốt ngày , còn cụ Phan vì không quen chuyện cày cuốc nên cũng phải vào núi để hái trà hoang , đem về nấu cho anh em uống . Làm việc suốt năm chỉ được nghỉ có sáng mồng một Tết Nguyên Đán nhưng không phải để uống món ngon vật lạ , mà là ngồi quây quần bên nhau , để hướng về quê hương nơi cõi muôn trùng , nhớ thương qua những lời ca tiếng hát Ái quốc ca , Ái chủng ca , Ái chủng ca.. Lời ca hòa lẫn tiếng vỗ tay đánh nhịp thay tiếng pháo , giữa khung trời tự do mượn tạm nơi đất khách nhưng đối với mọi người , thì đó là niềm hạnh phúc không bao giờ có tại quê nhà đang quằn quại hận hờn dưới gót giầy đô hộ của thực dân Pháp . Cuối chạp gần sắp Tết Tân Hợi 1911 ) , đang lúc mọi người hờ hững đợi một thêm một xuân tha hương trên đất người , thì cuộc cách mạng lật đổ nhà Mãn Thanh trên đất Tàu đã thành công . Do đó , các lãnh tụ Trung Hoa Quốc Dân Đảng như Tôn Văn , Hoàng Khắc Cường .. muốn giúp đỡ các chính khách Việt Nam , nhất là Phan Bội Châu . Nhưng từ Xiêm muốn qua Tàu lúc đó , tiền lệ phí không phải là ít , khi mặt thật tài chánh tại đồn điền Bạn Thâm , thu gộp chung chỉ đếm được 30 bạc . Số tiền này theo thời giá lúc đó , cũng chỉ đủ để Phan Bội Châu và Đặng Từ Mẫn mua vé xe lửa tới Vọng Các mà thôi . Cuối cùng hai nhà cách mạng Việt Nam đã phải dùng khổ nhục kế "Hành Khất“ , để còn số tiền 30 bạc , mua hai vé tàu thủy tới Hương Cảng . Thời gian rời Bạn Thầm đúng 29 Tết , Phan Bội Châu tới Quảng Đông vào những ngày đầu tháng giêng năm Quý Sửu 1912 ) để kịp thành lập Việt Nam Quang Phục Hội trên đất Trung Hoa. 
Hơn 100 năm trước , hàng hàng lớp lớp những người trẻ tuổi , mà Phan Bội Châu ví như một con chim đầu đàn , lớp chết lớp kế tiếp nhau vào tù ăn tết ở trong tù hay bị giam lỏng mãn đời trong tử địa . Ngày nay tên tuổi Phan Bội Châu được gắn liền với bao thế hệ thanh niên nam nữ Bình Thuận , qua ngôi trường trung học công lập tại thị xã Phan Thiết hơn nửa thế kỷ thăng trầm biển dâu trầm thống . Nhớ Phan Bội Châu cũng đâu bao giờ dám quên những anh hùng liệt sĩ yêu nước làm rạng danh sông núi Bình Thuận như Nguyễn Thông , Nguyễn Xuân Ôn , Ưng Chiếm , Bùi Hành , Cao Hàng , Phan Chánh , Lê Công Chánh , Tống Hưng Nho , Nguyễn Đặng Giai , Vũ Anh Khanh... và trăm ngàn thanh niên thiếu nữ anh hào cận sử . 
Kiếp ăn nhờ ở đậu nơi xứ người cho dù có gì gì chăng nữa , thì dưới con mắt của địa phương , ta đâu khác gì tên gọi Tây hay Mỹ ? sao bằng vì nước mà sống trong tù giặc như Lý Tống hiện nay , hay vui những cái tết hành khất như các chí sĩ Phan Bội Châu , Phan Chu Trinh , Nguyễn Thượng Hiền , Nguyễn Xuân Ôn vẫn danh thơm muôn thuở - - 

Xóm Cồn , Chạp 2006 
MƯỜNG GIANG

(Nguyệt San Hiệp Hội - số 198, tháng 2 năm 2007)
Picture
0 Comments

Chuyện Miến Điện (kỳ 1)

11/2/2021

0 Comments

 

KỲ 1: MIẾN ĐIỆN PHONG BA

Picture
   Cho đến hôm nay, tại Myanmar, các cuộc biểu tình đòi tự do cho bà Aung San Suu Kyi vẫn tiếp diễn với sự tham gia đông đảo mọi thành phần. Công chức trong các cơ quan chính phủ tại thủ đô Naypyidaw cũng đã bỏ nhiệm sở để hòa mình trong làn sóng mấy trăm nghìn người này. Một bộ phận cảnh sát bảo vệ chế độ cũng đã xuống đường với biểu ngữ giăng ngang: “Cảnh sát đứng về phía nhân dân”. Trên nhiều nẻo đường, tiếng xoong nồi đập vang vốn để xua đuổi ác ma, nhưng bây giờ nhằm ám chỉ các thế lực hắc ám đã trù dập nền dân chủ non trẻ của đất nước này. Bất tuân dân sự xảy ra khắp nơi. Quân đội đã xối xả phun vòi rồng, ném lựu đạn cay và bắn đạn cao su để mạnh tay đàn áp đoàn người biểu tình. Xứ sở chùa vàng lại một lần nữa đối mặt với những nghiệt ngã trên hành trình chông gai xác định nền dân chủ.

   Miến Điện là đất nước nằm giữa 2 cường quốc Ấn độ và Trung quốc. Tiến trình dân chủ hóa tại đất nước này vì thế sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình địa chính trị tại bán đảo Ấn Trung. Tuy nhiên, con đường dân chủ mà người dân xứ này lựa chọn hoàn toàn không hề đơn giản. Sau cuộc nổi dậy ngày 8 tháng 8 năm 1988 với hàng nghìn người dân Miến bị thảm sát đẫm máu bởi chính quyền nằm dưới sự cai trị độc tài của Đảng Kế hoạch Xã hội chủ nghĩa Miến Điện do Tướng Ne Win đứng đầu, Bà Aung San Suu Kyi đã nổi lên thành biểu tượng quốc gia và bắt đầu tiến trình vận động dân chủ hóa. Rồi sau một thời gian dài bị chính quyền quân phiệt giam cấm, với chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử 2015, Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của thủ lĩnh Aung San Suu Kyi đã thực hiện ngoạn mục việc thay đổi chính quyền.

​ Trong thời buổi dân chủ trứng nước ban đầu, bà Suu Kyi đã phải đặt nặng việc ổn định chính trị vì vậy đã khó có thể tiến hành việc sửa đổi Hiến pháp đã cam kết với cử tri trước đó. Hiến pháp do Quân đội ban hành năm 2008 đã quy định 1/4 số ghế của các quân nhân làm Đại biểu Quốc hội là một cơ số cứng, không phải bầu lại và muốn sửa đổi Hiến pháp thì cần phải có 3/4 đại biểu Quốc hội đồng ý. Đây chính là một khung pháp lý tối cao nhằm bảo đảm quyền chi phối chính trị vĩnh viễn của Quân đội.
Một cam kết nữa của NLD là hòa giải dân tộc. Trong tổng số 135 sắc tộc trên lãnh thổ sau khi giành lại độc lập năm 1948, đã có hơn 20 lực lượng vũ trang của các sắc tộc thiểu số luôn gây hấn hiềm khích với chính phủ Trung Ương có cơ cấu nhân sự chủ yếu đến từ dân tộc Miến điện chiếm đa số. Nhưng căng thẳng hơn cả là vấn đề sát hại người Rohingya tại bang Rakhine. Uy tín của bà Suu Kyi đã sút giảm đáng kể khi có những phát ngôn mang tính biện hộ cho tội ác của quân đội Myanmar tại tòa án Công lý quốc tế La Haye, cho dù có không ít người thạo tin và nhà nghiên cứu cho rằng đây là những hành vi chẳng đặng đừng, “nín thở qua sông” nhằm duy trì chính quyền dân sự non trẻ để tiến hành dân chủ hóa sâu rộng hơn trước thế lực quân phiệt luôn rình rập để tận diệt. Bản thân bà Suu Kyi cũng đã nhiều lần làm việc với Cố tổng thư ký LHQ Kofi Atta Annan nhằm kiến tạo một lộ trình hòa giải với người Rohingya, tuy nhiên, cứ sau mỗi lần đàm phán, khi mà biên bản ghi nhớ chưa kịp ráo mực thì các lực lượng phiến quân lại nổ súng, giao tranh đẫm máu với quân đội. Và cũng chính bà là người đã thừa nhận cũng như công bố “hành vi quá đáng của quân đội Myanmar đối với các sắc tộc thiểu số” khiến giới quân phiệt tức giận lẫn lo ngại.
“Mục đích của bà Suu Kyi là xây dựng hòa giải dân tộc để kích đẩy phong trào đòi thay đổi hiến pháp nhằm xóa bỏ các điều khoản phi dân chủ”, theo nhận định trên đây của giáo sư KUDO Toshihiro (học viện chính sách GRIPS) thì lộ trình hòa giải của bà Suu Kyi là từng bước công nhận quyền tự trị của các sắc tộc thiểu số để áp dụng một chính thể Liên bang thực thụ thay thế cho 7 bang hành chính hiện này được cầm đầu bởi Thống đốc được Trung ương bổ nhiệm. Nếu tiến trình hòa giải này tiếp tục triển khai, với hậu thuẫn của người dân sẽ khiến cho kế hoạch sửa đổi hiến pháp được gia tốc. Đây là điều mà quân đội muốn ngăn cản.
Mặt khác, cho dù đảng NLD đã chậm chạp thực hiện các cam kết với cử tri sau cuộc bầu cử 2015 vì những lý do đã đề cập trên đây, và cho dù dư luận cũng như nhiều dự đoán rằng NLD không thể giành thêm nhiều ghế trong cuộc bầu cử 2020 như đã đạt được trong năm 2015, tuy nhiên, kết quả kiểm phiếu theo quy trình được Ủy hội Quốc tế công nhận là đạt chuẩn về tính công bằng đã cho thấy một lần nữa NLD lại giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử cuối năm 2020. Tham vọng làm Tổng thống của Thống tướng Min Aung Hlaing kể như tiêu tùng vì cho dù bất mãn với chính sách, với tốc độ thực thi dân chủ của NLD, cũng như không hài lòng với thái độ thiếu quyết liệt thậm chí non kém nơi chính trường của lãnh tụ Suu Kyi, đông đảo người dân Miến Điện vẫn chọn lựa chế độ dân chủ. Với sự chọn lựa làm hậu thuẫn này, vào nhiệm kỳ thứ 2, NLD sẽ không ngần ngại tăng tốc tiến trình cải hiến để loại bỏ quyền chi phối chính trị vĩnh viễn của quân đội. Nỗi lo “mất dép” này được xem là nguyên nhân chính của cuộc đảo chính 1/2 vừa qua.

​   Hành trình đi tìm dân chủ của Myanmar vẫn đang gặp nhiều chông gai và chắc chắn sẽ không thiếu cạm bẫy. Tuy nhiên, sự thành công của tuổi trẻ và người dân xứ này sẽ là chứng cứ sống động nhất cho lẽ toàn thắng của chủ nghĩa dân chủ trước sự tấn công trí trá hiện nay của mọi thế lực độc tài toàn trị.
​
   Đêm nay giao thừa Việt Nam, cách đó 1800 cây số hướng Tây, hàng ngàn người Myanmar trẻ tuổi vẫn đang thức trắng tại quảng trường công viên Paha Bandoola, Rangoon, nơi đã dựng tượng đài 8888 tưởng niệm biến cố đẫm máu 8/8/1988. Trên môi họ là những câu hát mong chờ một bình minh dân chủ.


​Kiều Khang
Picture
0 Comments

Còn đây những tấm lòng

7/8/2019

0 Comments

 
Picture
CẢM NHẬN VỀ CUỘC BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI TÀU CỘNG TẠI TOKYO NGÀY 4-8-2019
 
Vừa về đến nhà, sau khi làm một “tăng” thoải mái ở điểm hẹn thứ hai, thì bị nhắc nhở từ người trách nhiệm: “Chú cho xin một vài cảm tưởng”, định lầu bầu vài câu như thường lệ, nhưng chợt ngưng ngay lại vì nghĩ lại ngay chính mình, cũng đã có những nhắc nhở tương tự với quân ta sau khi cùng nhau làm một chuyện gì có ý nghĩa. Thôi tôi vào đề ngay để bạn ta không chờ không đợi nhé:
Mùa mưa (tsuyu ake-梅雨あけ) năm nay ở Nhật Bản chấm dứt trễ hơn thường lệ cả tháng trời, có nơi mưa suốt, mưa liên miên với đất lở đất bồi và Tokyo cũng không thoát khỏi ngoại lệ với các thành phố chính tràn đầy những cơn mưa năng hạt. Nhưng chỉ vài ngày nay, trời bỗng trở lại đúng “qui trình” bắt đầu cho những ngày đỏ lửa, với những cơn nóng khủng khiếp khiến lúc nào nha khí tượng cũng có nhiều cảnh báo để đừng bị chứng bệnh: trúng nắng.
Shibuya, một khu phố tráng lệ, ăn chơi, thời trang thuộc loại bậc nhất Tokyo hôm nay (4/8) bỗng rộn rã lạ thường, tràn ngập những lời đối thoại chỉ vì sự có mặt của một nhóm nhỏ người Việt Nam, áo T-shirt đồng phục, xếp hàng lớp lang đi qua những phố chính với những khẩu hiệu vang dội phát ra từ một xe phóng thanh dẫn đầu, liên tục phát những bản hùng ca xen lẫn với những tiếng phụ họa mạnh bạo gằn từng tiếng:
Quân Trung Quốc lập tức cút khỏi lãnh hải Việt Nam – Cút khỏi...Cút khỏi...cút khỏi
中国軍がベトナム領海から出ていけ、― 出て行けー出て行け

----------------------------
150 tiếng hô đã làm cho người đi đường dừng lại, vì họ biết người Việt Nam đây mà, họ thấy một hình ảnh khác hơn những hình ảnh mà họ thường thấy mà có lúc thành vấn nạn. Họ không xanh xao bạc nhược, họ đã không trùm chăn và đã rút ra khỏi vỏ ốc sinh hoat hàng ngày đồng thanh cất cao tiếng nói phụ họa với người trong nước, quyết tâm không nhượng một tấc đất cho đội quân xâm lược.
Xin lược qua một ít chi tiết về cuộc xuống đường với một vài ghi nhận tại chỗ:
1/ 7 giờ 30 sáng ban tổ chức đã có mặt để chuẩn bị dù 9 giờ địa điểm xuất phát mới mở cửa.
Thực ra họ đã có mặt từ những ngày trước đó vài tuần để sửa soạn chuẩn bị.
2/ 9 giờ từ tứ phương tám hướng, từ những nơi xa nhất như Fukukoka đã đến kip địa điểm sau một đêm ngồi xe buýt xuyên đêm, vừa tuyên bố chấm dứt xong, họ lại tất bật ra ngay lại phi trường để về nơi “Chôn nhau cắt rốn”.
3/ Hai anh chị từ xứ chuột túi đã hy sinh chương trình du lich ngày cuối của mình cùng nhập giòng tham gia ngày phẫn nộ. Tạm xong các phần hạch tội cần thiết, anh chị đã tìm đường ra phi trường để cũng trở về nơi “quê hương thứ hai”.
4/ Hai người bạn mãi từ Osaka đã cất công lái xe xuyên đêm để đến địa điểm tập trung rồi lại vội vã trở về với con đường dài 600 cây số.
5/ Một chị tham gia chương trình với nhiều nỗi âu lo vì “bà mẹ của em đang ở trong tình trạng nguy kịch” nhưng em muốn đến đây với các em, các chị để tỏ nỗi lòng mình. Đang lúc hàn huyên, được điện báo từ bên nhà, chị hớt hải vừa khóc vừa chạy lại phía tôi: “Anh ơi, mẹ em hấp hối rồi, em phải về ngay gặp mẹ”. Tôi cũng chả biết nói gì thêm, chỉ cầu mong cụ yên nghỉ bình an nơi suối vàng và hãnh diện vì có một cô con gái hết lòng với đất nước.
6/ Ngoài ra còn rất nhiều những tấm lòng khác ở khắp nơi đổ về để cùng cất nói lên một quyết tâm.
7/ Họ chia thành 2 nhóm: 1 đến trước cửa sứ quán Trung Cộng hạch tội xâm lược, 1 nhóm đến sứ quán Việt Cộng yêu cầu phải có ngay những hành động dứt khoát với đội quân lúc nào cũng lăm lăm xâm chiếm nước ta.
Khoảng 2 giờ thì sứ mạng hoàn thành, mọi người tụ tập tại một ga gần đó để “hanseikai”, có những khuôn mặt quen thuộc và có nhiều khuôn mặt mới quen, qua những rôm rả sẻ chia, tôi thấy họ cùng đồng lòng xác quyết: Không nhượng một tấc đất cho đoàn quân xâm lược lúc nào cũng ra rả: 4 tốt chữ vàng. Như có lúc tôi đã nói: những người trẻ này sống thật, không giả vờ sống. Tương lai đang nằm trong bàn tay họ.
Tăng 2 chấm dứt, họ phải chia tay ai về nơi đó. Cảm động nhất là một hình ảnh trước nhà ga Ebisu, họ nắm tay thành vòng và cùng hát một bài hát quen thuộc: “Gặp nhau đây rồi chia tay. Ngày dài như đã vụt qua như phút giây. Niềm hăng say còn chưa phai. Đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy. Đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy."
Và kết thúc bằng màn ippon jime của Nhật.
Lâu nay tôi đã không còn quen viết lối phóng sự 5W1H, tôi đã không nhớ ai là người tổ chức, bắt đầu từ đâu và chấm dứt khi nào nên đây là một bài viết đầy chủ quan chỉ ghi lại những gì trước mắt, và cũng là bài viết cho riêng tôi. Mong quân ta tha thứ.
Tôi tin tưởng các bạn trẻ, các bạn đang tiếp tục làm những công việc mà chúng tôi đã làm 40 năm trước, nhưng theo một tinh thần mới, không khí mới. Tôi tin chắc là sẽ thành công.

​Một ông già có tuổi.
0 Comments

MỘT TRĂM CÁI TRỨNG, MƯỜI TÁM ÔNG VUA?

28/2/2019

0 Comments

 

Có thực tổ tiên dân tộc Lạc Việt chúng ta nở ra từ trứng? Có thực có mười tám vua Hùng chia nhau hơn hai ngàn sáu trăm năm cai trị? Thái độ của người trẻ hôm nay thế nào cho đúng với chủ đạo dân tộc?


PictureGươm đồng thời đại Đông Sơn – thời đại vua Hùng
1. Sự hình thành dân tộc Việt theo thần thoại
 
Dân tộc cần có một chủ đạo, điều đó là hiển nhiên. Đối với những dân tộc có lịch sử lâu đời, chủ đạo dân tộc thường bắt đầu từ truyện thần thoại giải thích sự hình thành dân tộc, nói cách khác là sự tích về các thần tổ tiên; rồi đến giai đoạn ngoại sử: về các vua tổ tiên, về các anh hùng dân tộc cổ đại, lý giải về các đặc điểm văn hoá đặc thù; sau đó mới đến dòng chảy lịch sử chính thống. Hiện nay hầu hết người Việt bị lẫn lộn giữa thần thoại và chính sử.
 
Bỏ bớt những điều rườm rà, hầu hết người Việt ngày nay đều chấp nhận "nguồn gốc" con Rồng cháu Tiên của dân tộc mình. Cụ thể, truyền thuyết kể rằng: rồng thần Lạc Long Quân kết hôn với chim tiên Âu Cơ, sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con trai. Một trăm người này cưới vợ sinh con và phát triển thành một trăm dân tộc cùng gốc Việt, thường gọi là Bách Việt. Thực tế: có nhiều nhóm dân cư tiền sử cư trú khắp vùng nam sông Dương Tử China tới tận đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, có nhiều đặc điểm giống nhau về nhân chủng và văn hoá, có cùng tên gọi kết hợp với hậu tố "-Việt", như: Mân Việt, Điền Việt, Âu Việt, Lạc Việt... Người Việt ở Việt Nam ngày nay chính là Lạc Việt khi xưa.
 
Ngoài ra, người Lạc Việt còn truyền thuyết nói rằng con trai cả của thần Lạc Long Quân và tiên Âu Cơ lên ngôi làm vị vua đầu tiên, đặt tên nước là Văn Lang, lấy hiệu là "vua Hùng". Vua Hùng là vua tổ tiên của người Lạc Việt. Điều này chỉ có nghĩa truyền thuyết cổ xưa của người Lạc Việt nhận mình là anh cả của Bách Việt. Mô-típ tự tôn dân tộc này xuất hiện ở hầu hết các dân tộc trên thế giới. Không thể dựa vào truyền thuyết này để làm căn cứ xác nhận chính xác sự tồn tại của vị vua Hùng thứ nhất là con của thần Lạc Long Quân như một sự thật lịch sử khách quan.
 
Tuy nhiên, xét theo khía cạnh chủ đạo dân tộc, chúng ta tin truyền thuyết về tổ tiên của mình. Dân tộc Việt được sinh ra từ một cuộc hôn phối kỳ diệu giữa sức mạnh và vẻ đẹp, giữa đại dương và đất liền, giữa nông nghiệp và ngư nghiệp... Truyền thuyết, chỉ cần tới chỗ này là đỉnh điểm, không cần thêm thắt về các đời ông đời cha của Quốc Tổ và Quốc Mẫu làm chi. Thật hết sức nhảm nhí khi mà diễn tả cho bọn trẻ về tổ tiên của dân tộc là Rồng và Tiên, Quốc Tổ là rồng thần dưới biển, Quốc Mẫu là chim tiên trên núi, rồi lại dẫn giải lê thê nào Đế Minh Đế Nghi nào Đế Lai Lộc Tục, rốt cuộc dẫn tới ngọn nguồn tiên tổ của chúng ta là một vị vua trong truyền thuyết của China (aka. Viêm đế Thần Nông), thực là điều kỳ cục của sử cũ! (xem Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Lê Văn Hưu, phần Ngoại Kỷ; xem Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Quốc sử quán - triều Nguyễn, phần Tiền Biên, quyển I)
 

2. Vậy thì thời đại vua Hùng là sao?
 
Một dân tộc có vĩ đại hay không, không nằm ở lịch sử dài hay ngắn. Những đất nước có lịch sử lâu đời như Ai Cập hay Hy Lạp... trong hiện tại đều không có gì đáng tự hào, thậm chí họ còn phải đáng thẹn với bề dày lịch sử của mình. Ngược lại, Hoa Kỳ mới chỉ lập quốc mấy trăm năm, mà luôn đứng đầu thế giới về kinh tế và sức mạnh quân sự. Đời sống người dân và tiềm lực quốc gia trong hiện tại mới chính là điều mà người dân nên lấy làm vui. Lịch sử nhiều ngàn năm, cùng lắm chỉ là những phế tích và sẽ mục nát với thời gian. Luân lý dân tộc được từng người dân tôn trọng và làm theo, già trẻ bé lớn đều cư xử tốt với nhau, cộng đồng có niềm tin và có chủ đạo, đó mới là điều đáng tự hào, dù lịch sử có non trẻ đến mấy. Ngược lại, nhận nước mình có bốn ngàn năm văn hiến, trong khi đó người dân mơ hồ hoặc hoàn toàn mù tịt về chủ đạo dân tộc, cả nước mê tín lú lẫn, thì thà không có lịch sử còn hơn!
 
Về thời đại vua Hùng, không thể dựa vào tư liệu sách vở khi nói mười tám đời vua Hùng cai trị hai ngàn sáu trăm sáu mươi hai năm, mỗi vua cai trị hơn trăm năm mươi năm, như vậy quá vô lý. Nhưng chúng ta không có bản văn nào khác, vì thế, hãy tạm thời để đấy, và lật ngược lại sử sách. Cũng có giả thuyết nói mười tám đời vua là mười tám dòng họ, nhưng thuyết này cũng chỉ là suy luận, không cần tốn nhiều thời gian. Tới thời vua Thục Phán đánh Văn Lang và lập nước Âu Lạc là tương đối gần với lịch sử, năm 267 TCN. Di chỉ thành Ốc và tên đồng đã khai quật được, xác nhận sự tồn tại lịch sử của vua Thục Phán. Như vậy, trước vua Thục là vua Hùng cuối cùng, ta có cơ sở để xác định điều này. Vậy vua Hùng đầu tiên cách đó bao lâu? (sách đã dẫn, như trên)
 
Con số 18, nếu xét theo triết học Đông Á, nó là một huyền số, là hai lần 9. Số 9 tượng trưng cho quẻ Kiền. Hai lần 9 tức hai quẻ Kiền chồng lên nhau, được quẻ Thuần Kiền là quẻ đầu tiên trong kinh Dịch. Kiền là Trời, là ngôi chí tôn, có đức lớn, là Cha, sinh ra muôn vật, là hình tượng Rồng... (xem Kinh Dịch, bản dịch Ngô Tất Tố, quẻ Kiền). Chính vì thế, rất có thể cách nói "mười tám đời vua Hùng" chỉ là cách nói bóng bảy mang nhiều hàm nghĩa, hơn là con số thực tế.
 
Trong các truyện thần thoại: Thánh Gióng, An Tiêm, Bánh Chưng Bánh Dày, Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, Trầu Cau... Đều có bối cảnh là trong triều đại của một vua Hùng nào đó, các yếu tố giải thích thiên nhiên còn hỗn mang (Sơn Tinh - Thuỷ Tinh), sự hình thành tục lệ (Trầu Cau, Bánh Chưng Bánh Dày), chiến tranh vệ quốc (Thánh Gióng). Riêng truyện Thánh Gióng có một chi tiết khá thú vị là có nói khi này là thời Hùng Vương thứ 6 và giặc Ân đánh nước ta. Khảo cổ học hiện đại đã xác định lịch sử China đến thời Ân-Thương, niên đại từ năm 1766 - 1122 TCN. Trong kinh Dịch còn có quẻ Ký Tế có nói về việc vua Cao Tôn (1324 - 1264 TCN) nhà Ân đi đánh nước Xích Quỷ, tức nước ta theo cách gọi của người China thời đó, đánh ba năm khó nhọc mà không được gì. Nếu quả thật truyện Thánh Gióng là ký ức dân tộc, thì ta có: vua Hùng thứ 6 vào khoảng năm 1324 - 1264 TCN. Tất nhiên, đây chỉ là con số tham khảo cho vui. Cũng như các sách China chép việc người nước ta sang phương Bắc lạy lục triều cống rùa thần và chim trĩ vào các thời Đường Nghiêu (2357-2258 TCN) và năm 1110 TCN thời nhà Chu (*). Sự việc quá cổ xưa, còn sử sách lại viết sau mấy ngàn năm, không đáng tin.
 
Nếu ta lấy mốc vua Thục Phán trở về trước, thì thời đại vua Hùng trùng với thời đại Đông Sơn. Khi này, dựa vào các hiện vật khảo cổ, có thể thấy người Việt đã có thành tựu văn hoá khá rực rỡ, đời sống vật chất và tinh thần đều phong phú.
 
Trở lại với lập trường ban đầu của bài viết này, nếu ta xác định việc vua Hùng thứ nhất là thần thoại (con trai cả của Rồng và Tiên), thì về thời đại vua Hùng thực sự, ta có các giả thiết:
- có nhiều vua lấy hiệu là "Hùng" hơn con số 18
- có một vua triều đại tiền sử tự nhận là con của cha Rồng và mẹ Tiên; Rồng và Chim chính là totem vật tổ của dân tộc này (aka. Lạc Việt, Rồng có thể là Cá Sấu); vị vua này xưng là vua Hùng
- thời vua Hùng kết thúc khi bị Thục Phán đánh chiếm, nhưng có thể bắt đầu muộn hơn năm 2879 TCN mà sách vở đã ghi
- các chi tiết: ăn trầu, xăm mình, trồng lúa, bắt cá, làm bánh chưng bánh dày, chế thuyền đi biển... trong các truyền thuyết kể trên đều có thật
 
Vậy thì, khi kể lại huyền thoại hình thành dân tộc, trước tiên cần phải chuẩn hoá câu chuyện Quốc Tổ Quốc Mẫu, bỏ đi đoạn rườm rà từ cha của Quốc Tổ trở về trước. Một cách đơn giản hoá: Ngày xửa ngày xưa, Quốc Tổ Lạc Long Quân là rồng thần dưới biển, gặp Quốc Mẫu là chim tiên trên núi, hai người kết hôn với nhau và sinh được một bọc trứng, nở ra một trăm con trai. Sau đó, để mở mang bờ cõi, Quốc Tổ dẫn năm mươi con đi về vùng biển, năm mươi người còn lại theo Quốc Mẫu lên vùng núi. Những người con lại toả đi khắp nơi, mỗi người phát triển thành một chi tộc Việt. Người con trai cả đi theo mẹ, phát triển thành tộc Lạc Việt, rồi ông lên ngôi vua, lập nước Văn Lang, xưng là vua Hùng, dạy dân các phương pháp cày cấy, tổ chức triều chính, đặt ra văn hiến, đời đời truyền ngôi cho người tài giỏi, đều lấy hiệu là vua Hùng, đất nước hưng thịnh mấy nghìn năm, Lạc Việt phát triển thành một dân tộc lớn đông đúc, lập ra đạo Mẫu để tôn thờ Quốc Mẫu Âu Cơ. Cùng lúc đó người Âu Việt cũng phát triển hùng mạnh ở phía Tây. Đến khi vua Âu Việt là Thục Phán thấy tiềm lực nước mình đủ mạnh, thì xua quân đánh vua Hùng và chiếm được nước, lập ra nước mới, gọi là Âu Lạc.
 
Thời đại vua Hùng là thời đại chuyển giao giữa huyền thoại và chính sử, không nên minh nhiên khẳng định tính xác thực dựa vào những sử sách mà chính những sử sách này cũng không đáng tin, cũng không nên hoàn toàn phủ nhận sự tồn tại của nền văn hoá Lạc Việt tiền Bắc thuộc mà những di chỉ và hiện vật vẫn sờ sờ ra đó. Chúng ta có quyền tin tưởng vào một thời kỳ lịch sử phát triển rực rỡ của tổ tiên, cũng như có quyền từ khước và bài bác những thứ hổ lốn tô vẽ tuỳ tiện vào lịch sử. Và việc tin tưởng cũng như tưởng niệm về triều đại huy hoàng này của dân tộc là điều hoàn toàn chính đáng và cần thiết trong thời đại ngày nay, khi mà những giá trị tinh thần của dân tộc ngày càng mai một.
 

3. Thay lời kết
 
Trong tác phẩm "Betonamu kara kangaeru" của mình, Shiba Ryotaro (1923-1996) - một tác gia trứ danh và chính thống của Nhật Bản - từng nhận định: "Những nước Á châu, nếu muốn ổn định phải có một 'Nhà nước dân tộc chủ nghĩa'." (từ gốc: "minzokushugi kokka", xem sách trang 93)(**).
 
Trên thực tế, có thể dễ dàng nhìn thấy rất nhiều nhà nước thể hiện dân-tộc-tính rất đậm nét ở châu Á. Có vẻ như nhận định của Shiba Ryotaro đúng. Nhưng còn trường hợp Việt Nam và China hiện tại, với nhà nước lấy chủ nghĩa cộng sản làm kim chỉ nam, một thứ chủ nghĩa ngoại lai và phủ nhận tính dân tộc, những nước này có thực sự là đang hưng thịnh và ổn định một cách chân thực?
 
Nhiều năm trước, những người cộng sản ở hai nước này cho rằng những gì mang tính dân tộc đều là phản động và cần phải bị bài xích cực đoan, thậm chí tiêu diệt. Cuộc cách mạng văn hoá ở China là đỉnh điểm cho thái độ này. Tại Việt Nam, sự bài xích văn hoá dân tộc thời điểm đó tuy chưa rầm rộ bằng China, nhưng sự sắt máu và khắc nghiệt không hề kém cạnh.
 
Ngày nay, khi nhận thấy việc huỷ diệt văn hóa dân tộc là một hành vi tự sát, cộng sản bắt đầu nỗ lực tô vẽ trở lại một thứ văn hoá dân tộc với "định hướng xã hội chủ nghĩa". Và tất nhiên, sản phẩm có cái đuôi ngốc nghếch đó chẳng ra làm sao cả, bởi một lý do giản đơn là không ai biết chủ nghĩa đó cụ thể là cái quái gì, một ông có bằng tiến sỹ Xây dựng Đảng (cộng sản) và chức tước rất cao cũng chẳng hình dung nổi chủ nghĩa xã hội là sao, phải ngậm ngùi tuyên bố "đến cuối thế kỷ này không biết chủ nghĩa xã hội xuất hiện ở Việt Nam chưa?" (thanhnien.vn/thoi-su/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-phat-bieu-tai-to-ve-du-thao-sua-doi-hien-phap-1992-469414.html)
 
Tán hươu tán vượn ra ngoài lề như vậy, để thấy ngay cả một thứ chủ nghĩa phủ nhận các giá trị quốc gia dân tộc, mà còn phải lần mò quay về tìm hiểu và chắp vá theo hướng đầu cơ có lợi cho mình. Vậy thì, những người Việt chân chính và phi cộng sản, càng phải hiểu rõ chủ đạo của dân tộc mình, ngõ hầu góp sức bảo tồn và truyền lại các giá trị đó cho mai sau, có khi còn giúp ích cho đất nước.
 

 Chú thích
(*) xem Cương Mục Tiền Biên của Kim Lý Tường; Thông Chí của Trịnh Tiều; Sử Ký của Tư Mã Thiên...
(**) Suy nghĩ từ Việt Nam, Shiba Ryotaro

0 Comments

    Archives

    January 2022
    September 2021
    August 2021
    February 2021
    August 2019
    February 2019

    Categories

    All
    Goc Nhin

NPO HIỆP HỘI NGƯỜI VIỆT TẠI NHẬT - NPO VAJ
​NPO 法人日本在住ベトナム人協会​

〒204-0024 東京都清瀬市梅園二丁目2番6号
Email: contact@hiephoi.jp
Facebook: www.facebook.com/hiephoiVN
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCDa240QgWOL4pSliOzcdqLQ
Hỗ trợ & Tư vấn: bit.ly/3qMhFhf
  • TRANG CHỦ
  • TIN TỨC
  • GÓC NHÌN
  • HOẠT ĐỘNG
  • KINH NGHIỆM SỐNG TẠI NHẬT
  • GIỚI THIỆU