NPO HIỆP HỘI NGƯỜI VIỆT TẠI NHẬT
  • TRANG CHỦ
  • TIN TỨC
  • GÓC NHÌN
  • HOẠT ĐỘNG
  • KINH NGHIỆM SỐNG TẠI NHẬT
  • GIỚI THIỆU
Picture

Chuyện Miến Điện (kỳ 1)

11/2/2021

0 Comments

 

KỲ 1: MIẾN ĐIỆN PHONG BA

Picture
   Cho đến hôm nay, tại Myanmar, các cuộc biểu tình đòi tự do cho bà Aung San Suu Kyi vẫn tiếp diễn với sự tham gia đông đảo mọi thành phần. Công chức trong các cơ quan chính phủ tại thủ đô Naypyidaw cũng đã bỏ nhiệm sở để hòa mình trong làn sóng mấy trăm nghìn người này. Một bộ phận cảnh sát bảo vệ chế độ cũng đã xuống đường với biểu ngữ giăng ngang: “Cảnh sát đứng về phía nhân dân”. Trên nhiều nẻo đường, tiếng xoong nồi đập vang vốn để xua đuổi ác ma, nhưng bây giờ nhằm ám chỉ các thế lực hắc ám đã trù dập nền dân chủ non trẻ của đất nước này. Bất tuân dân sự xảy ra khắp nơi. Quân đội đã xối xả phun vòi rồng, ném lựu đạn cay và bắn đạn cao su để mạnh tay đàn áp đoàn người biểu tình. Xứ sở chùa vàng lại một lần nữa đối mặt với những nghiệt ngã trên hành trình chông gai xác định nền dân chủ.

   Miến Điện là đất nước nằm giữa 2 cường quốc Ấn độ và Trung quốc. Tiến trình dân chủ hóa tại đất nước này vì thế sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình địa chính trị tại bán đảo Ấn Trung. Tuy nhiên, con đường dân chủ mà người dân xứ này lựa chọn hoàn toàn không hề đơn giản. Sau cuộc nổi dậy ngày 8 tháng 8 năm 1988 với hàng nghìn người dân Miến bị thảm sát đẫm máu bởi chính quyền nằm dưới sự cai trị độc tài của Đảng Kế hoạch Xã hội chủ nghĩa Miến Điện do Tướng Ne Win đứng đầu, Bà Aung San Suu Kyi đã nổi lên thành biểu tượng quốc gia và bắt đầu tiến trình vận động dân chủ hóa. Rồi sau một thời gian dài bị chính quyền quân phiệt giam cấm, với chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử 2015, Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của thủ lĩnh Aung San Suu Kyi đã thực hiện ngoạn mục việc thay đổi chính quyền.

​ Trong thời buổi dân chủ trứng nước ban đầu, bà Suu Kyi đã phải đặt nặng việc ổn định chính trị vì vậy đã khó có thể tiến hành việc sửa đổi Hiến pháp đã cam kết với cử tri trước đó. Hiến pháp do Quân đội ban hành năm 2008 đã quy định 1/4 số ghế của các quân nhân làm Đại biểu Quốc hội là một cơ số cứng, không phải bầu lại và muốn sửa đổi Hiến pháp thì cần phải có 3/4 đại biểu Quốc hội đồng ý. Đây chính là một khung pháp lý tối cao nhằm bảo đảm quyền chi phối chính trị vĩnh viễn của Quân đội.
Một cam kết nữa của NLD là hòa giải dân tộc. Trong tổng số 135 sắc tộc trên lãnh thổ sau khi giành lại độc lập năm 1948, đã có hơn 20 lực lượng vũ trang của các sắc tộc thiểu số luôn gây hấn hiềm khích với chính phủ Trung Ương có cơ cấu nhân sự chủ yếu đến từ dân tộc Miến điện chiếm đa số. Nhưng căng thẳng hơn cả là vấn đề sát hại người Rohingya tại bang Rakhine. Uy tín của bà Suu Kyi đã sút giảm đáng kể khi có những phát ngôn mang tính biện hộ cho tội ác của quân đội Myanmar tại tòa án Công lý quốc tế La Haye, cho dù có không ít người thạo tin và nhà nghiên cứu cho rằng đây là những hành vi chẳng đặng đừng, “nín thở qua sông” nhằm duy trì chính quyền dân sự non trẻ để tiến hành dân chủ hóa sâu rộng hơn trước thế lực quân phiệt luôn rình rập để tận diệt. Bản thân bà Suu Kyi cũng đã nhiều lần làm việc với Cố tổng thư ký LHQ Kofi Atta Annan nhằm kiến tạo một lộ trình hòa giải với người Rohingya, tuy nhiên, cứ sau mỗi lần đàm phán, khi mà biên bản ghi nhớ chưa kịp ráo mực thì các lực lượng phiến quân lại nổ súng, giao tranh đẫm máu với quân đội. Và cũng chính bà là người đã thừa nhận cũng như công bố “hành vi quá đáng của quân đội Myanmar đối với các sắc tộc thiểu số” khiến giới quân phiệt tức giận lẫn lo ngại.
“Mục đích của bà Suu Kyi là xây dựng hòa giải dân tộc để kích đẩy phong trào đòi thay đổi hiến pháp nhằm xóa bỏ các điều khoản phi dân chủ”, theo nhận định trên đây của giáo sư KUDO Toshihiro (học viện chính sách GRIPS) thì lộ trình hòa giải của bà Suu Kyi là từng bước công nhận quyền tự trị của các sắc tộc thiểu số để áp dụng một chính thể Liên bang thực thụ thay thế cho 7 bang hành chính hiện này được cầm đầu bởi Thống đốc được Trung ương bổ nhiệm. Nếu tiến trình hòa giải này tiếp tục triển khai, với hậu thuẫn của người dân sẽ khiến cho kế hoạch sửa đổi hiến pháp được gia tốc. Đây là điều mà quân đội muốn ngăn cản.
Mặt khác, cho dù đảng NLD đã chậm chạp thực hiện các cam kết với cử tri sau cuộc bầu cử 2015 vì những lý do đã đề cập trên đây, và cho dù dư luận cũng như nhiều dự đoán rằng NLD không thể giành thêm nhiều ghế trong cuộc bầu cử 2020 như đã đạt được trong năm 2015, tuy nhiên, kết quả kiểm phiếu theo quy trình được Ủy hội Quốc tế công nhận là đạt chuẩn về tính công bằng đã cho thấy một lần nữa NLD lại giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử cuối năm 2020. Tham vọng làm Tổng thống của Thống tướng Min Aung Hlaing kể như tiêu tùng vì cho dù bất mãn với chính sách, với tốc độ thực thi dân chủ của NLD, cũng như không hài lòng với thái độ thiếu quyết liệt thậm chí non kém nơi chính trường của lãnh tụ Suu Kyi, đông đảo người dân Miến Điện vẫn chọn lựa chế độ dân chủ. Với sự chọn lựa làm hậu thuẫn này, vào nhiệm kỳ thứ 2, NLD sẽ không ngần ngại tăng tốc tiến trình cải hiến để loại bỏ quyền chi phối chính trị vĩnh viễn của quân đội. Nỗi lo “mất dép” này được xem là nguyên nhân chính của cuộc đảo chính 1/2 vừa qua.

​   Hành trình đi tìm dân chủ của Myanmar vẫn đang gặp nhiều chông gai và chắc chắn sẽ không thiếu cạm bẫy. Tuy nhiên, sự thành công của tuổi trẻ và người dân xứ này sẽ là chứng cứ sống động nhất cho lẽ toàn thắng của chủ nghĩa dân chủ trước sự tấn công trí trá hiện nay của mọi thế lực độc tài toàn trị.
​
   Đêm nay giao thừa Việt Nam, cách đó 1800 cây số hướng Tây, hàng ngàn người Myanmar trẻ tuổi vẫn đang thức trắng tại quảng trường công viên Paha Bandoola, Rangoon, nơi đã dựng tượng đài 8888 tưởng niệm biến cố đẫm máu 8/8/1988. Trên môi họ là những câu hát mong chờ một bình minh dân chủ.


​Kiều Khang
Picture
0 Comments



Leave a Reply.

    Archives

    January 2022
    September 2021
    August 2021
    February 2021
    August 2019
    February 2019

    Categories

    All
    Goc Nhin

NPO HIỆP HỘI NGƯỜI VIỆT TẠI NHẬT - NPO VAJ
​NPO 法人日本在住ベトナム人協会​

〒204-0024 東京都清瀬市梅園二丁目2番6号
Email: contact@hiephoi.jp
Facebook: www.facebook.com/hiephoiVN
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCDa240QgWOL4pSliOzcdqLQ
Hỗ trợ & Tư vấn: bit.ly/3qMhFhf
  • TRANG CHỦ
  • TIN TỨC
  • GÓC NHÌN
  • HOẠT ĐỘNG
  • KINH NGHIỆM SỐNG TẠI NHẬT
  • GIỚI THIỆU