KỲ 2: DÃ TÂM CỦA TRUNG QUỐC VỚI MIẾN ĐIỆN CÓ THÀNH CÔNG KHÔNG? 12 tháng Giêng, ngoại trưởng Vương Nghị đi thăm Myanmar. Mục đích chính của chuyến đi là cuộc hội đàm với tướng Min Aung Hlaing. 2 tuần sau đó, đảo chánh tại Myanmar do tướng Hlaing cầm đầu xảy ra. Cho đến nay các cuộc biểu tình đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi vẫn đang quyết liệt với một số người tử vong và nhiều người bị trọng thương do súng đạn của quân đội Myanmar phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc (TQ). Liên tục trong nhiều ngày, hàng nghìn người dân Miến điện đã tụ tập biểu tình trước sứ quán TQ với các biểu ngữ: Cấm viện trợ cho quân đội, hoặc: Ngưng ngay hành động can thiệp nội bộ quốc gia.
Cũng ngay trong chuyến thăm Myanmar tháng Giêng, ngoại trưởng Vương Nghị khi tiếp kiến với nhà lãnh đạo Suu Kyi đã phát biểu hoành tráng: Trung Quốc kiên quyết ủng hộ ổn định chính quyền của Liên minh Quốc dân vì Dân chủ (tức NLD lúc ấy đương cầm quyền). Trong khu nhà quản thúc, chắc bà Suu Kyi một lần nữa thấm thía đắng cay hơn khi hồi tưởng lại công sức tiếp cận với Bắc Kinh của mình trong những tháng năm qua. Sau cuộc đảo chính, đứng đầu là Anh Mỹ và một số quốc gia Liên Âu cũng như hội đồng bảo an LHQ đã đồng loạt lên án và ban hành các biện pháp chế tài. Tuy nhiên, nhìn chung, vẫn không thể che đậy được sự dè dặt thận trọng, tránh né ra tay thẳng thừng. Lý do rất dễ hiểu: tất cả đều không muốn chính quyền Myanmar lún sâu vào vòng lệ thuộc của TQ. Điều đương nhiên là tướng Hlaing hiểu rõ tâm lý này của các nước dân chủ tiên tiến Phương Tây. Kẻ chủ mưu đảo chính này cũng đã đoán trước được thái độ tỏ vẻ bàng quan của TQ khi đảo chính xảy ra, bởi lẽ, trong cuộc tranh đua ưu thế giữa 2 thể chế dân chủ chủ và toàn trị thì đại diện cho chủ nghĩa độc tài toàn trị như TQ làm sao có thể công khai lên tiếng ủng hộ NLD do bà Suu Kyi lãnh đạo được. Nhưng liệu chính quyền quân phiệt của xứ chùa Vàng có mặn nồng dài lâu được với người bạn láng giềng bá quyền có chung 2160 cây số biên giới này hay không vẫn còn là một nghi vấn lớn. Vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, khi bắt đầu tiến hành Cách mạng Văn hóa đẫm máu thanh trừng, TQ cũng từng bước thực hiện ý đồ nhuộm đỏ châu Á. Một trong những hoạt động đó là ủng hộ phiến quân Cộng sản Miến Điện chống lại chính quyền quân đội. Cuộc biểu tình kháng Trung khổng lồ tại Rangoon vào năm 1967 đã khiến 2 nước đua nhau triệu hồi đại sứ. Sau khi hoàn thành Cách Mạng Văn hóa để nắm quyền trở lại, nước công du đầu tiên của Đặng Tiểu Bình là Myanmar với mục đích bình thường hóa quan hệ. Sau đó, hai nước này xích lại gần hơn khi TQ đã thừa nhận những đàn áp đẫm máu đối với phong trào dân chủ hóa của chính quyền quân phiệt Miến điện làm chết hàng nghìn người vào năm 1988. Để rồi tiếp bước đàn em, năm 1989, TQ cho xe tăng nghiền nát thân người nơi quảng trường Thiên An Môn. Đồng bệnh tương lân, 2 chính thể độc tài này càng “thông cảm sâu sắc” nhau trước sự lên án của thế giới. Trong những năm bị phương Tây cấm vận vì đàn áp lãnh tụ Suu Kyi, sinh mệnh chính trị của quân phiệt Miến chỉ biết trông chờ vào quan hệ đầu tư và nhập khẩu từ TQ. Tuy nhiên, sự lệ thuộc vào TQ mỗi lúc mỗi lớn cũng như sự ruồng bỏ của Tây phương ngày càng tăng đã làm sống lại ý thức cảnh giác trong nội bộ chính quyền quân phiệt dẫn đến kết quả là tổng thống Thein Sein từ năm 2011 đã bắt đầu rà soát và điều chỉnh lại các quan hệ đối với TQ để dần tiếp cận với phương Tây. Người dân Miến cũng đã khá tỏ tường với những dã tâm “viện trợ phát triển” khi mà nhiều đêm tại những thành phố lớn như Rangoon hoặc Mandalay vẫn thường xuyên bị cúp điện vì 90% công suất của các nhà máy phát điện hợp tác với TQ phải bán lại cho TQ. Đại dự án thủy điện Myitsone với tổng kinh phí 3,6 tỷ Mỹ kim trên sông Iwaraji, công trình đường sắt Tây Miến nối vào tỉnh Vân Nam cùng nhiều dự án liên doanh khác với TQ bị đình chỉ với lý do “đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân” đã khiến TQ không kém tức giận trước hành động ngỗ ngược của đứa em chư hầu này. Điều khôi hài là vào những năm sau đó, chính quyền dân sự của bà Suu Kyi vốn được xem là “nước và lửa” đối với TQ đã kéo gần quan hệ này lại nhằm bù đắp phần nào các thiếu hụt do chế tài cô lập của phương Tây có mục đích lên án việc đàn áp người Rohingya. Thế rồi 3 tuần trước ngày đảo chánh 1/2, biên bản ghi nhớ tái khởi động dự án xây dựng đường sắt cũng như cụm cảng biển khổng lồ mà chính quyền quân phiệt trước đây đã đình chỉ được ký kết trở lại khiến cho ít ai nghi ngờ về hậu thuẫn dành cho cuộc đảo chính cũng như thái độ há miệng mắc quai của TQ trong những ngày qua. Bài học trên thật đáng giá cho lãnh tụ Suu Kyi khi đã phải mạo hiểm lân la quan hệ với ông anh bá quyền nham hiểm này. Mặt khác, thái độ không rõ ràng của TQ cũng cho thấy nước này cũng đang khó xử không kém. Nếu công khai lên tiếng phản đối chính quyền quân đội Miến, TQ sẽ phải san sẻ hoặc thậm chí hy sinh các quyền lợi khai thác của mình tại Miến. Đường ống dẫn dầu, khí đốt dài 870 cây số từ cảng Kyaukpyu tiếp giáp Ấn độ dương có mục đích chiến lược thay thế cho hải lộ vận chuyển xuyên eo biển Malacca và ngang qua Biển Đông, biển Nhật Bản, chắc chắn sẽ gặp nhiều trắc trở. Kết quả dẫn đến là Miến điện hoàn toàn bị cô lập trở lại. Một khả năng có thể xảy ra vào lúc kiệt quệ đó là Mỹ có thể thỏa thuận chấp nhận phần lợi ích trong chiến lược “1 vành đai 1 con đường” của TQ tại Miến điện để đổi lấy sự dàn xếp hòa bình vấn đề Rohingya có sự chỉ đạo của TQ. Ngược lại, nếu TQ không ký tên vào các kiến nghị chế tài của LHQ và mạnh mẽ ủng hộ chế độ quân phiệt Miến thì điều này có nghĩa như một cuộc tuyên chiến với các nước dân chủ. Hongkong sẽ bị trù dập nặng nề hơn, Nội Mông sẽ đổ máu hơn, Tân Cương tiêu điều, Tây Tạng tan hoang...và chính thể độc tài lại có cơ hội sống thêm tại các quốc gia lân bang khác. Đây cũng là lúc các nước tự do dân chủ sẽ nhất quán hơn để liên kết vận dụng dư luận hòng khôi phục sức mạnh chính nghĩa. Ván cờ thế cuộc của Myanmar vì thế sẽ hoàn toàn không đơn giản phiếm diện, nhưng đồng thời tiềm ẩn những cơ hội mang lại nhân quyền và dân chủ cho xứ sở này nếu các nước phương Tây đứng đầu là Mỹ biết ra tay đúng liều đúng lượng. Tuy nhiên, quan trọng và tiên quyết hơn cả chính là lòng dân, ý dân và quyết tâm của người dân Miến mới là câu trả lời đích thực nhất cho tương lai của đất nước chùa Vàng. Cho đến hôm nay, phong trào đình công bãi thị phản đối quân phiệt đã lan rộng cả nước. Máu người đã đổ trên nhiều tỉnh thành. Một lần nữa người dân Miến đã cho thấy khát khao tự do vô bờ của mình cho dù chính thể dân chủ gầy dựng bằng xương máu của họ đã lao đao lận đận ngay trong 10 năm đầu đời. Nhà sử học Thant Myint U đã tiên liệu rằng: Cuộc quyết đấu giữa súng đạn quân đội với dũng khí và đảm lược của đoàn người biểu tình trong vài tuần sắp tới sẽ quyết định ngã rẽ của dân tộc này. Con đường xác lập nền dân chủ, từ xưa đến nay, chưa bao giờ là con đường không chông gai, thậm chí là nếu không khó khăn, không đối lập bộn bề thì không phải là dân chủ. Dù sao chăng nữa, khi chứng kiến những dòng người cuồn cuộn hô vang khẩu hiệu đả đảo độc tài trong những ngày qua tại Rangoon, Hinthada, Pathein, Dawei, Mandalay, Bago, Hpaan, Naypyitaw, Maubin, Penwegon.... những người yêu chuộng tự do trên trái đất này chắc chắn đã được thắp lửa trong tim và khẳng định thêm niềm tin vào thể chế dân chủ đích thực. Hãy cho anh giận bằng ngực em Như chúng bắn lửa thép vào Môi son họng súng.... Trong dây xích chiến xa tội nghiệp Anh sẽ sống bằng hơi thở em Hỡi những người kế tiếp (Thanh Tâm Tuyền) Xin kính cẩn nghiêng mình trước những thân người đã ngã xuống cho quê hương Miến điện của họ, cũng là cho những giá trị tự do bất tuyệt của cõi đời này. Kiều Khang
0 Comments
Leave a Reply. |
Archives
September 2021
Categories |