NPO HIỆP HỘI NGƯỜI VIỆT TẠI NHẬT
  • TRANG CHỦ
  • TIN TỨC
  • GÓC NHÌN
  • HOẠT ĐỘNG
  • KINH NGHIỆM SỐNG TẠI NHẬT
  • GIỚI THIỆU

Thông báo về hội Giao lưu Tết Nguyên Đán 2022

2/1/2022

0 Comments

 
TẾT NHÂM DẦN 2022! 

Hiệp Hội Người Việt tại Nhật kính mời quý đồng hương ghi danh tham dự hội giao lưu TẾT THA PHƯƠNG, TẾT YÊU THƯƠNG theo link và poster bên dưới. 

Hãy đến với hội Tết để lắng nghe tâm tình của nhiều thế hệ người Việt trong dịp đầu năm, để thưởng thức những món ăn đậm đà chất Việt, để cùng hát cho nhau nghe những khúc Xuân ca vàng son một thời, và cũng để cho tình cảm đồng hương sưởi ấm lòng nhau giữa rét mướt xứ người. 

Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống...
(thơ Tô Thùy Yên) 

Do diện tích hội trường có giới hạn, vì vậy rất mong quý đồng hương ghi danh sớm để chúng ta có thể cùng tìm lại những sắc màu truyền thống của ngày Tết thiêng liêng.

* Link sự kiện: https://facebook.com/events/s/giao-luu-tet-nguyen-%C4%91an-2022/588039118959906
* Link đăng ký ghi danh: https://docs.google.com/.../1pZTOyjYHBFMhO5NYc9Y0NETzdgV...

​
Trân trọng kính mời
NPO Hiệp Hội Người Việt tại Nhật
Picture
0 Comments

LỜI NGUYỆN CẦU GIÁNG SINH 2021

20/12/2021

0 Comments

 
​Kính chào tất cả anh chị em Việt Nam, không phân biệt tôn giáo, đang sinh sống ở Nhật Bản, thân mến,
Lễ Giáng Sinh sắp đến, tôi kính chúc anh chị em một lễ Giáng Sinh bình an và Năm Mới 2022 gặt hái được nhiều thành công như lòng ao ước.
Như anh chị em đã biết, ngày 14 tháng 12 vừa qua, nhà cầm quyền cộng sản đã kết án 9 năm tù đối với bà Phạm Đoan Trang, một nhà báo độc lập, vì tội « tuyên truyền chống Nhà nước ». 
Ngoài bà Phạm Đoan Trang vừa bị kết án, trong một thông cáo khác ngày 14/12, tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (HRW), trụ sở tại New York, còn yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho hai nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai ở Hà Nội, ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm. Phiên xét xử dự kiến mở ra tại Hà Nội ngày 15/12/2021 và họ bị cáo buộc vi phạm điều 117 của bộ luật hình sự. « Nếu bị kết tội, mỗi người sẽ phải đối mặt với mức án lên tới 20 năm tù ». HRW kêu gọi chính quyền Việt Nam « nên lập tức hủy bỏ các cáo buộc mang động cơ chính trị » nhắm vào họ.
HRW nhắc lại « chỉ tính riêng trong năm 2021, có ít nhất 16 người - trong đó có các blogger độc lập nổi tiếng Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Phạm Chí Thành - đã bị kết tội và xử án tù vì đã vi phạm điều 117. Có 11 người khác, trong đó có nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh, đã bị bắt và đang bị tạm giam chờ xét xử cũng theo điều luật nói trên ».
Những điều này cho chúng ta thấy: chính quyền cộng sản luôn là một tập đoàn chuyên chế, gian dối: một mặt tuyên truyền với quốc tế: Việt Nam là một quốc gia tôn trọng nhân phẩm, nhân quyền, một mặt thì đàn áp những người yêu nước, dám nói sự thật để bảo vệ người dân và tổ quốc.
Ngoài ra, còn biết bao nhiêu ngươi dân vô tội, đang bị bắt bớ, xách nhiễu, bóc lột bởi hàng trăm hàng ngàn cán bộ lớn nhỏ trong các tỉnh thành, làng mạc trên quê hương Việt Nam. Những người dân hiền lành vô tội này chỉ biết nhẫn nhục chịu đựng vì không một ai bênh vực.
Chúng ta, những người Việt tỵ nạn hoặc đang sinh sống, làm việc tại Nhật, chúng ta không có vũ khí để chiến đấu chống lại chế độ cộng sản, nhưng chúng ta có tiếng nói, chúng ta có tự do, có lương tâm, chúng ta phải can đảm tố cáo những bất công, những tội ác của đảng cộng sản Việt Nam đối với tổ quốc, đối với những người Việt Nam trong nước, để mang lại cho hơn 90 triệu người Việt Nam sự tự do, cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm, nhân quyền của một con người.
Là người Công Giáo, Phật Giáo hay bất cứ tôn giáo nào, tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện, xin Thiên Chúa ban cho tổ quốc Việt Nam sớm thoát khỏi ách cộng sản vô thần, thoát khỏi chế độ độc ác, chỉ biết cai trị dân lành bằng vũ khí, bằng bạo lực, để mọi người sớm có được cuộc sống tự do, hạnh phúc và để tổ quốc Việt Nam cũng được vươn lên, hùng mạnh sánh vai cùng các dân tộc trên thế giới. 
Xin kính chào tất cả anh chị em.
Tokyo ngày 20 tháng 12 năm 2021
Linh Mục Phêrô Maria Nguyễn Hữu Hiến
Picture
0 Comments

BUỔI GIAO LƯU CÁC THẾ HỆ - PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG LẦN THỨ NHẤT (14/11/2021)

21/11/2021

0 Comments

 
​HIỆP HỘI NGƯỜI VIỆT TẠI NHẬT (HHNVTN) đang nỗ lực thực hiện một mục tiêu quan trọng nhằm kết nối hài hòa giữa những thế hệ trong cộng đồng, tạo môi trường thích hợp cho giới trẻ có thể dễ dàng tham gia đóng góp vào việc phát triển cộng đồng, dần thay thế cho giới già.

Để đạt được mục tiêu này, HHNVTN dự định sẽ tổ chức nhiều buổi giao lưu giữa các thế hệ, nhằm tạo cơ hội giúp thế hệ trẻ biết rõ hơn về hoài bão của cha ông, và giúp thế hệ già có thể hiểu biết nhiều hơn về tâm tư và những trăn trở của giới trẻ.

Và BUỔI GIAO LƯU CÁC THẾ HỆ - PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG lần thứ nhất đã được tổ chức tại Tokyo vào ngày Chủ Nhật 14/11/2021 vừa qua.
Vì là buổi giao lưu đầu tiên, thử nghiệm, nên Ban tổ chức (BTC) chỉ mời hạn chế các đồng hương thuộc thế hệ thứ nhất, tức những đồng hương đã đến Nhật định cư trước và sau năm 1975. 

Dù là ngày Chủ Nhật, nhưng thay vì nghỉ ngơi, tỉnh dưỡng sau một tuần làm việc mệt mỏi, một số đồng hương đã đến tham dự buổi giao lưu. Đặc biệt, một số tiền bối qua Nhật du học trước năm 1975, một số vị “thuyền nhân” sau năm 1975, cùng một số con cháu được sinh ra và lớn lên tại Nhật, và du học sinh đến Nhật gần đây, - đã lặn lội đường xa đến tham dự buổi giao lưu.
Nội dung của buổi giao lưu gồm : (1) Phần trình bày mục tiêu tổ chức; (2) Phần phát biểu cảm tưởng của đại diện các thế hệ; (3) Phần toạ đàm về những việc cần làm; và (4) Tiệc trà giao lưu. 

Các thế hệ đã cùng nhau bày tỏ những ý kiến, những trăn trở về việc làm sao để tạo dựng được một cộng đồng người Việt Nam tốt đẹp hoà đồng thăng tiến trong xã hội Nhật Bản đồng thời bảo tồn gìn giữ phát huy những giá trị văn hoá truyền thống dân tộc trên mảnh đất quê hương thứ hai.

Trong phần giao lưu thân mật, các vị đồng hương tham dự đã cùng các thành viên BTC quây quần bên nhau, vừa thưởng thức những ly trà nóng cùng những chiếc bánh da lợn ngon ngọt, đầy hương vị quê hương, vừa thưởng thức phần văn nghệ bỏ túi vui nhộn, tự biên tự diễn, và chia sẻ với nhau về những tài liệu văn hoá lịch sử dân tộc, và những tài liệu hỗ trợ việc học tiếng Nhật.

“Buổi giao lưu hôm nay rất hay: vừa có sự trang nghiêm, vừa có sự trẻ trung vui tươi. Nên BTC hãy cố gắng tổ chức tiếp những buổi giao lưu như thế này. Chúng tôi tin rằng lần tổ chức sau sẽ cho nhiều đồng hương tham dự… ” - đó là lời chia sẻ tâm sự sau khi tham dự buổi giao lưu của một quý đồng hương. 
Lời chia sẻ này là một khích lệ động viên to lớn để giúp BTC tiếp tục nỗ lực cố gắng hơn nữa trong việc tổ chức những buổi giao lưu tiếp theo.

HHNVTN xin chân thành cảm ơn các đồng hương đã tham dự buổi giao lưu đồng thời có những chia sẻ hào phóng về tài chính để ủng hộ cho quỹ hoạt động của HHNVTN.
Rất mong sẽ được đón tiếp thêm nhiều quý đồng hương trong những buổi giao lưu tiếp theo.

Trân trọng!
0 Comments

Giới thiệu ebook "OlymVid - Lửa vẫn giữ"

16/10/2021

0 Comments

 
Xin được chia sẻ với quý đồng hương một e-book nhỏ (khoảng 150 trang) OlymVid - Lửa vẫn giữ của nhóm Phù Tang Tam Bút.
Đây là một tuyển tập những bài viết ngắn lấy chủ đề Olympic và Paralympic làm cảm hứng nhân dịp Thế Vận Hội được tổ chức tại Tokyo mùa hè năm nay.
Chúng tôi hi vọng món quà nhỏ này sẽ góp được một phần nào đó vào việc xây dựng đời sống văn học của cộng đồng người Việt chúng ta.

​Trân trọng,
Nhóm thực hiện bản tin Hiệp Hội 

Link download bản PDF và Mobi để đọc trên Kindle:
drive.google.com/drive/folders/1--bysyZ7qJLVCZXkgctYv8IF349X2-p5?fbclid=IwAR1dBy0eJUKKr5HMdoDtAMbsfim6zoCaIzZt-Im61YJAu7rCvdhhahsFHIk
Picture
0 Comments

Thông báo ngừng nhận đăng ký lớp luyện thi JLPT N3

6/10/2021

0 Comments

 
​Thông báo ngừng nhận đăng ký lớp luyện thi JLPT N3.
Quý đồng hương và các bạn trẻ thân mến,
Sau 2 ngày nhận đăng ký, chúng tôi đã nhận được phản hồi từ hơn 60 bạn. Đây là một con số thật sự ấn tượng và bất ngờ đối với chúng tôi.
Điều này cho thấy rằng nhu cầu rất lớn về việc trau dồi tiếng Nhật trong cộng đồng người Việt chúng ta và một lần nữa giúp chúng tôi vững tin hơn vào hướng đi đã chọn.
Để chuẩn bị chu đáo nhất cho lớp học sắp tới này, ban giảng huấn xin thông báo ngừng nhận đăng ký tại thời điểm 23:45 ngày 6 tháng 10 năm 2021.
Chúng tôi xin chân thành xin lỗi vì chưa đủ nguồn lực để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của cộng đồng trong thời điểm hiện tại. Chúng tôi hi vọng trong thời gian sắp tới, với sự cộng tác hiệp lực từ quý thân hào nhân sĩ cũng như đông đảo đồng bào trong cộng đồng, chúng tôi có thể phát triển hơn các hoạt động có ý nghĩa dành cho cộng đồng người Việt của chúng ta.

​Trân trọng kính báo,
NPO Hiệp Hội người Việt tại Nhật
0 Comments

LỚP LUYỆN THI JLPT N3 CHO KỲ MÙA ĐÔNG 2021

4/10/2021

0 Comments

 
​Kính thưa quý đồng hương
Bạn trẻ thân mến
Từ nhiều năm qua, việc kiến tạo một cộng đồng bền vững là một trong những mục tiêu hàng đầu mà Hiệp hội người Việt tại Nhật đã theo đuổi. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài việc bảo tồn, phát huy văn hóa Việt Nam còn là những hoạt động xúc tiến thích nghi với phong tục tập quán bản xứ, giảm nhẹ những xung khắc tâm lý gây ra từ dị biệt văn hóa giữa hai đất nước để có thể mau chóng hội nhập vào xã hội Nhật bản. Ngoài ra, sự hiểu biết xác thực về Nhật Bản sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn văn hóa của đất nước mình để trên cơ sở đó có thể biểu dương và cụ thể hóa những giá trị Việt tốt đẹp. Những lý giải và cảm nhận đúng đắn về Nhật Bản phụ thuộc phần lớn vào mức độ thông thạo ngôn ngữ nước này. 
Chính vì thế, không ai có thể chối cãi rằng nhu cầu học tập tiếng Nhật trước và ngay sau khi đến Nhật là thực sự cấp thiết trong công việc, giao tiếp hằng ngày cho đến những hoạt động nghiên cứu chuyên sâu. Qua tìm hiểu và khảo sát thăm dò, Hiệp hội cũng nhận thấy rằng, rất nhiều quý đồng hương, đặc biệt là các bạn trẻ mới đến Nhật đều mong muốn có được cơ hội trau dồi tiếng Nhật để có thể dự thi và đạt được các chứng chỉ năng lực tiếng Nhật chính thức nhằm tăng cường cơ hội thăng tiến trong công việc cũng như sự tự tin trong khi tiếp xúc với người Nhật.
Với mục đích hỗ trợ những nguyện vọng kể trên, trong giai đoạn đầu, Hiệp hội sẽ tổ chức lớp luyện thi năng lực tiếng Nhật (JLPT) online trình độ N3 theo chi tiết sau đây.
LỚP LUYỆN THI JLPT N3 CHO KỲ MÙA ĐÔNG 2021
Lớp học hoàn toàn miễn phí, do các sempai nhiều kinh nghiệm luyện thi và ôn thi, trực tiếp đứng lớp với mục đích giúp các bạn vượt qua kỳ thì N3 JLPT vào ngày 5/12 sắp tới.
Nội dung: Ôn luyện kỹ năng làm bài (Nghe hiểu, Đọc hiểu, Từ vựng và Kanji)
Phương pháp: 
- Chia sẻ bí quyết của các kỳ thi gần đây nhất
- Đề xuất các dạng câu hỏi đề thi thường xuất hiện
- Giải đáp thắc mắc tùy theo nhu cầu sát sườn của từng học viên
- Ngoài ra còn có chương trình phụ đạo ngoài giờ học bằng cách đặt câu hỏi qua chức năng chat của Telegram.
Công cụ online: GOOGLE MEET
Thời gian học: 21:00 ~ 22:00 vào các tối thứ 2-4-6 hằng tuần từ 18/10 đến 26/11/2021. Tổng 18 buổi.
Link đăng ký: https://bit.ly/n3jlpt2021
Hạn chót đăng ký:  16/10/2021
Các bạn thân mến
N3 không khó! Vấn đề là chúng ta có đủ quyết tâm hay không. Hiệp hội hy vọng rằng lớp học này sẽ giúp đỡ bạn theo đuổi quyết tâm và tăng cao xác suất thi đỗ. N3 cũng không phải là đích đến cuối cùng, nhưng rất có thể là một chỉ dấu quan trọng trong tiến trình hội nhập và thăng tiến. Vì thế, toàn thể thành viên ban giảng huấn mong mỏi nhận được sự hưởng ứng và tham dự lớp học đông đủ của quý anh chị em có quan tâm đang sống trong cũng như ngoài Nhật Bản.

​Trân trọng
NPO Hiệp hội người Việt tại Nhật
Picture
0 Comments

Mùa thu: Mùa đọc sách - 読書の秋

14/9/2021

0 Comments

 
Picture
Picture
Nhật Bản đang bước vào Mùa Thu, mùa cảnh sắc thiên nhiên thay đổi, cây lá khoác lên người đủ loại màu sắc, .. tạo cảm hứng cho con người sáng tác thơ văn ca ngợi thiên nhiên, ca ngợi tình yêu ... mùa nở rộ những hoạt động văn hóa, thể thao. Sau những ngày nóng bức của Mùa Hè, khí hậu trở nên mát mẻ, dễ chịu, khiến người ta có thể tập trung đọc sách nhiều hơn, lâu hơn. 
Người Nhật Bản có thông lệ khuyến khích nhau đọc sách trong Mùa Thu, đặc biệt là trong "Tuần Lễ Đọc Sách (読書の週間)", mỗi năm từ ngày 27/10 đến ngày 9/11. Năm nay (2021) là năm thứ 75 từ khi phong trào "Tuần Lễ Đọc Sách" này được phát động. (Tham khảo trang mạng sau của Hiệp Hội Vận Động Phong Trào Đọc Sách 読書推進運動協議会 http://www.dokusyo.or.jp/jigyo/jigyo.htm).

Trong cơ hội này, chúng tôi muốn chia sẻ với quý đồng hương tại Nhật về lòng ham mê đọc sách của người Nhật, mối liên hệ giữa việc đọc sách với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, lý do tại sao người Việt chúng ta cần phải đọc sách nhiều hơn, và cuối cùng là cuộc vận động đọc sách hằng ngày của Trường Nhật Ngữ Đông Du, cũng như việc phát hành Bản Tin Hiệp Hội của Hiệp Hội Người Việt Tại Nhật.

TẠI SAO NGƯỜI NHẬT THÍCH ĐỌC SÁCH
Nước Nhật nổi tiếng là "Nước của những người đọc sách (本を読む国民の国)". Vài con số cho thấy nhu cầu đọc sách báo của người Nhật như sau: Mỗi năm tại Nhật Bản có khoảng 70,000 loại sách được phát hành mới, trong đó đại biểu là 15,000 sách khoa học xã hội, 12,000 sách nghệ thuật - đời sống, 13,000 sách văn học, 5,000 sách khoa học thiên nhiên (theo Cục Thống Kê của Bộ Tổng Vụ Nhật Bản 総務省統計局 https://www.stat.go.jp/data/nihon/26.html) . Bên cạnh, có khoảng 2,800 loại/xê-ri tạp chí được phát hành mỗi năm; hơn 13,000 thư viện lớn nhỏ trên toàn quốc lưu trữ hơn 14 triệu ấn phẩm, tài liệu; và hơn 42,000,000 tờ báo phát hành hằng ngày; v.v. và v.v.
Trên trang mạng Trạm Đọc có một bài viết phân tích khá hay và rõ ràng về lý do tại sao người Nhật có thú đam mê đọc sách báo như vậy (Tham khảo bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh, Tháng 3/2012, http://tramdoc.vn/tin-tuc/tai-sao-nguoi-nhat-me-doc-sach-nN3NW.html). Xin trích dẫn vài đoạn như sau: 
- Thực ra người Nhật đã có truyền thống đọc sách khủng lâu đời, ít ra từ thời Tokugawa 徳川 1600-1868. Trong thời đầu của Tokugawa Ieyasu 徳川家康, người thống nhất đất nước và lập nên triều đại Tokugawa hoà bình 265 năm lâu dài nhất lịch sử, thì chuyện một samurai có thể diễn đạt được ý tưởng của mình một cách mạch lạc trên giấy trắng mực đen là điều hi hữu, và tình trạng mù chữ là bình thường. Văn hoá Nhật Bản trước 1600 là văn hoá võ sĩ. Nhưng vào cuối thế kỷ 18, có thể nói một samurai mù chữ là một điều hụt hẫng đáng buồn, và tới giữa thế kỷ 19, tình hình lại khác nhau một trời một vực.
- Sự học tại Nhật Bản trước 1600 là độc quyền của giới quý tộc và tăng lữ, nhưng đến thời Tokugawa trở thành công việc của cả nước. Năm 1615, tướng quân Tokugawa Ieyasu, sau khi đã bình định được gần ba trăm phiên trấn (han藩), thiết lập nên một thể chế chính trị gần như liên bang, phát đi mệnh lệnh như một ‘big bang’ cho các đại danh, daimyō (大名), chủ phiên trấn và các võ sĩ, samurai: Điều 1 của mệnh lệnh nói: “bun (文) bên tay trái, bu (武) bên tay phải”.
- "Bun" là văn, sự học, là cây bút, trong khi "bu" là võ, nghệ thuật chiến tranh, từ đó chữ bushi là võ sĩ, bushido là võ sĩ đạo. Như thế Điều 1 nói “quyển sách bên tay trái, thanh gươm bên tay phải”, và văn đi trước võ, để có thể trị nước lâu bền. Các võ sĩ Nhật dần dần trở thành giai cấp cầm quyền có học. Ở Nhật Bản, cầm quyền là việc của giai cấp của samurai, cha truyền con nối, không phải việc của các Khổng nho như ở Trung Hoa hay Việt Nam, Triều Tiên. Khổng nho cao lắm chỉ được làm tư vấn với đồng lương thấp. Nhật Bản cũng có xếp hạng “sĩ, nông, công, thương” (shi, nō, kō, shō) dưới ảnh hưởng của Khống giáo Trung Hoa, nhưng ở đây sĩ không phải là nho sĩ, mà là võ sĩ.
- Các daimyō giờ đây phải học văn hoá, các loại khoa học và nghệ thuật quản lý đất nước. Một daimyō có học phải đọc sách hằng ngày. Để phục vụ cho việc học tập của daimyō, và các gia thần, thư viện được thành lập, sách vở được sưu tầm một cách qui mô, và trở thành biểu tượng cho tri thức. Thư viện bao gồm các loại sách về lịch sử Nhật Bản và Trung Hoa, các sách về Khổng giáo, Phật giáo và Thần giáo; sách về nghệ thuật quân sự, chiến lược quân sự, địa lý, thiên văn, kinh tế, toán học, y khoa và vô số sách về văn chương cổ điển. Bản thân tướng quân Ieyasu từng lập thư viện cho mình. Nhật Bản mỗi thời đều có những thư viện nổi tiếng, nhưng vào thời Tokugawa, Nhật Bản có nhiều thư viện nhất chưa bao giờ thấy trước đó.
- Thời Genroku 元禄 (1688-1704), được xem là thời vàng son của Tokugawa với kinh tế ổn định, nghệ thuật và văn chương phát triển, Nhật Bản đã có một hệ thống xuất bản sách hiện đại đáng ngạc nhiên, đặc trưng bởi sự hiện hữu của nhiều nhà xuất bản lớn, nhiều nhà minh hoạ sách có tiếng và nhiều nhà văn tên tuổi. Sách thường được xuất bản với số lượng đến hơn 10.000 bản! Đây là một con số “khủng” thời đó; Nhật Bản lúc đó chỉ có chừng 20 triệu người, vì thời Minh Trị dân số Nhật Bản khoảng 30 triệu. Năm 1692 Nhật Bản cũng đã từng có những bộ danh mục hàng chục tập về các sách in dành cho công chúng sử dụng. (Hiện nay VN chưa có được những bộ danh mục như thế tại các nhà sách). ...
- Chúng ta người Việt Nam nên học văn hoá đọc sách độc đáo của người Nhật, óc tò mò của họ, học để sáng tạo cho đất nước. Nếu chỉ học với mục đích có được một nghề để sống, điều đó quý cho bản thân, gia đình, nhưng dễ dẫn đến sự tự mãn làm cho người ta không đọc sách nữa khi đã đạt được mục đích. Với tinh thần đó, Việt Nam chỉ có cá nhân chứ không có quốc gia.
- Chỉ có đọc sách với tinh thần người Nhật là muốn hiểu biết thế giới đã, đang nghĩ gì, làm gì để tái tạo tinh hoa thế giới và sáng tạo cái mới làm giàu đất nước Việt Nam, điều đó mới giúp cho chúng ta đọc sách mãi mãi không thôi, đọc cuồng nhiệt trong thế giới tri thức vô tận. Và chỉ trên cơ sở đó, văn hoá đọc mới có thể thăng hoa. Không phải chỉ vài ngàn, mà hàng triệu các bản sách hay mới có thể được đọc giả hâm mộ và háo hức đón nhận. Và cũng chỉ trên cơ sở đó, nhân dân mới nhanh chóng ấm no, đất nước mới phú cường, giang san mới bền vững.


ĐỌC SÁCH: KHỞI ĐIỂM CỦA TIẾN TRÌNH KHAI D N TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH
Có thể nói Nhật Bản là nước Á Đông đầu tiên du nhập văn minh, khoa học, kỹ thuật hiện đại của các nước phương Tây để canh tân đất nước, phát triển kinh tế, xã hội. 
Các samurai vừa giỏi đánh kiếm múa đao, vừa văn hay chữ tốt ... cũng là những người sớm nhận thức được rằng chính quyền Mạc Phủ không đủ sức đương đầu với các nước phương Tây, và nếu giữ nguyên tình trạng bang phiến khiến nội lực trong nước bị phân tán, và chính sách bế quan tỏa cảng đối với bên ngoài, - thì không thể tránh được bị các cường quốc phương Tây xâm chiếm, chi phối. Vì vậy, sau khi giật mình nghe tiếng đại pháo từ con tàu đen bọc sắt chạy bằng hơi nước của hải quân Mỹ do Thống đốc Matthew C. Perry tại cảng Uraga năm 1853, các samurai của phiên Satsuma 薩摩藩và Choushu 長州藩 đã quên mối thù địch đã có từ lâu, để liên minh với nhau nhằm lật đổ chính quyền Mạc Phủ, thành lập thể chế quân chủ tập trung, đẩy mạnh công cuộc canh tân đất nước. Năm đầu của triều đại Minh Trị (1868) cũng là năm có trận chiến quyết liệt (gọi là Trận chiến Mậu Thìn 戊辰戦争), chấm dứt thời Mạc Phủ kéo dài suốt hơn 260 năm.
Có thể nói, tính tò mò, thích tìm hiểu, thích tra cứu, thích đọc sách, luôn trau dồi, luyện tập, thăng tiến, v.v. của người Nhật Bản đã là động lực thúc đẩy phong trào Khai Hóa Văn Minh 文明開化và là nền tảng phát triển kinh tế xã hội Nhật Bản từ thời Minh Trị (1868~) . (Chú thích: Bunmei Kaika 文明開化, cùng với khẩu hiệu Phú Quốc Cường Binh 富国強兵, và Thực Sản Hưng Nghiệp 殖産興業, là 3 khẩu hiệu/mục tiêu chính của thời Minh Trị Duy Tân).

Trong khi đó, tại Việt Nam thì thế nào ? - Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long, lập nên nhà Nguyễn. Dù các vua nhà Nguyễn cũng có một số cải cách về giáo dục, sửa đổi cách tuyển chọn nhân tài qua các cuộc thi Hương, thị Hội, thi Đình ... nhưng nội dung chủ yếu là vẫn việc học từ chương, lấy Khổng Nho, ngâm nga thi phú là chính, chứ không phải là việc học "thực học", dựa trên khoa học thực nghiệm, để mở mang kiến thức, giúp quán triệt các nguyên tắc biến chuyển của vũ trụ, vận hành xã hội, ... làm nền tảng cho việc phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. 
Đầu thế kỷ 19, Việt Nam cũng như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, v.v. đều bị áp lực từ các nước Tây phương đòi phải mở các cửa cảng cho tàu bè qua lại thông thương, cho phép các giáo sĩ truyền đạo, v.v. Nhưng trong lúc các samurai thời Mạc Phủ của Nhật Bản, tay trái cầm sách, tay phải cầm gươm, ý thức được nhu cầu phải "thực học" để canh tân đất nước, thì các vua quan nhà Nguyễn vẫn khăng khăng cho rằng nước Tàu là nước mạnh, dân Tây là man di; bàn đến việc đời, việc nước thì chỉ biết đem chuyện Tàu ra làm chuẩn mực. Các bài điều trần và phúc trình đầy tâm huyết của cụ Nguyễn Trường Tộ dâng lên vua Tự Đức vào những năm 1861~1871 để đề nghị cải cách từ hành chánh đến giáo dục, võ bị... đều không được vua quan triều đình Huế ngó ngàng, quan tâm, suy xét. Đại pháo của Thống đốc Perry năm 1853 tại cảng Uraga đã làm thức tỉnh các võ sĩ Mạc Phủ, nhưng đại pháo của tướng Genouilly năm 1847 tại Đà Nẵng đã không đủ sức làm thức tỉnh vua quan thời Thiệu Trị. 
Vì thiếu kẻ sĩ có tầm hiểu biết, nhìn xa, thấy rộng, nên các triều nhà Nguyễn đã bỏ mất cơ hội canh tân đất nước, loay hoay với việc dẹp loạn nổi lên khắp nơi trong nước, trở thành miếng mồi ngon cho chính sách thực dân, đế quốc của Pháp. Vì vậy, giữa thế kỷ 19, trong khi nước Nhật chuyển mình, trở thành một cường quốc tại phương Đông, thì Việt Nam ta bị Pháp chiếm làm thuộc địa, và từ đó phải trải qua cả thế kỷ đấu tranh giành độc lập, rồi chiến tranh quốc-cộng huynh đệ tương tàn, ngoại bang chi phối, nhân tâm phân hóa, xã hội lạc hậu, ... kéo dài mãi cho đến ngày nay.

Sau gần 40 năm từ khi Nhật Bản chính thức bước vào thời đại Minh Trị Duy Tân, năm 1905, các cụ Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính đã lặn lội đến Nhật, khởi xướng Phong trào Đông Du khuyến khích thanh niên Việt sang Nhật học hỏi những điều hay của Nhật. Rồi năm 1906, cụ Phan Châu Trinh cũng sang Nhật cùng với cụ Phan Bội Châu để tìm phương cách giành lại độc lập, chủ quyền cho dân tộc. Cả hai cụ Phan đều hiểu là cần phải khai dân trí (bỏ lối học từ chương, áp dụng lối học thực dụng, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan), chấn dân khí (nâng cao ý thức tự lực, tự cường, không ỷ lại vào người khác), và hậu dân sinh (phát triển kinh tế, giúp cải thiện, nâng cao mức sống người dân).

Bước sang thế kỷ 21, chúng ta thấy tại Việt Nam vẫn còn nhu cầu phải khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Việc học trong nước đã có nhiều thay đổi, nhiều trường tư thục xuất hiện, nhưng nội dung học vẫn chưa có tính chất thực dụng, vẫn còn hiện tượng nhiều người học chỉ để lấy bằng cấp, nhiều tiến sĩ giấy, học sinh phải học ngoài giờ tại nhà thầy cô giáo để có điểm cao trong những kỳ thi, v.v.
Người Việt tại Nhật may mắn hơn đồng bào trong nước, được sống trong xã hội dân chủ, tự do, có điều kiện dễ dàng để tự lập, tự cường. Nếu chúng ta muốn học hỏi, mở mang kiến thức thì xã hội mở ra cho chúng ta muôn vàn cơ hội. Chúng ta học tiếng Nhật để dễ dàng hơn trong việc trao đổi với người Nhật chung quanh, vui thích hơn với việc làm hằng ngày, dễ thăng tiến hơn trong công việc, và để cuộc sống hằng ngày trở nên thú vị hơn. Chúng ta cũng học tinh thần ham học, cầu tiến, cần cù, chăm chỉ, nhẫn nại, ... của người Nhật để tu luyện bản thân mình sao cho cuộc sống có ý nghĩa hơn. Chúng ta học lịch sử để hiểu rõ hơn những nỗ lực, hy sinh vì dân tộc của các bậc tiền nhân Phong trào Đông Du, Phong trào Duy Tân, v.v. để từ đó càng thấy yêu quê hương, yêu dân tộc mình hơn. Chúng ta cũng học những điều hay của xã hội Nhật, của người dân Nhật, kinh nghiệm canh tân đất nước, kiến thức khoa học, kỹ thuật hiện đại của người Nhật, v.v. để có thể đóng góp hiệu quả hơn cho việc phát triển kinh tế, xã hội của quê hương. Học trên sách vở, học ngoài xã hội, nơi nào chúng ta cũng có thể học.
Việc đọc sách là một phương cách dễ dàng nhất giúp chúng ta tiếp cận với những tư tưởng, những kiến thức, những cảm xúc ... mà người viết đã tóm tắt ghi ra trên giấy một cách rõ ràng, thứ tự, lớp lang. Tuy nhiên, đối với người chưa có thói quen đọc sách thì tập quán đọc sách không dễ có được ngay trong sáng chiều, mà cần phải chịu khó tập luyện hằng ngày trong một thời gian. 

Để giúp chúng ta có thói quen đọc sách hằng ngày, và mở mang kiến thức, - Trường Nhật Ngữ Đông Du đã lập Câu Lạc Bộ Đọc Sách. Mỗi ngày trong tuần, từ ngày Thứ Hai đến Thứ Bảy, chúng ta có thể dành 30 phút để vào mạng, kết nối với câu lạc bộ này qua đường link sau (tham khảo poster đính kèm): https://bit.ly/docsachvoidongdu

Ngoài ra, Hiệp Hội Người Việt Tại Nhật cũng sẽ phát hành định kỳ Bản Tin Hiệp Hội, ba tháng một lần từ Tháng 9/2021 này, với mong muốn chia sẻ với các đồng hương những bài ký sự, bình luận, những thông tin giúp chúng ta hiểu biết nhiều hơn về cộng đồng người Việt tại Nhật, về dân tộc Nhật Bản, quốc gia Nhật Bản, và giúp thắt chặt thêm mối liên hệ hữu hảo giữa hai dân tộc Nhật-Việt.
​

Trần Quang Lân

0 Comments

Mobilus - công ty đầu tiên do một thuyền nhân Việt Nam sáng lập được niêm yết trên sàn chứng khoán tại Nhật Bản

3/9/2021

0 Comments

 
​Ban biên tập Bản tin Hiệp Hội xin gửi đến quý đồng hương chia sẻ của một thuyền nhân Việt Nam - anh Hoàng Thế Lân - luật sư, nhà sáng lập công ty Mobilus tại Nhật Bản
____________
Xin chúc mừng hai anh Tom Ishii và anh Kenji Kato cho sự kiện IPO của Mobilus (*)! Tôi rất vinh dự khi được là một phần của hành trình đáng tự hào này. Những gì các anh đã đạt được thật tuyệt vời và tôi tin rằng một tương lai tươi sáng đang rộng mở trước mắt!
Đối với bản thân, điều làm tôi tự hào nhất đó là Mobilus đã trở thành công ty đầu tiên do người Việt sáng lập được niêm yết trên sàn chứng khoán tại Nhật Bản.
Tất cả bắt đầu từ 20 năm trước, khi tôi gặp anh Nguyễn Minh Đức lần đầu tiên. Một người sinh quán Yên Bái, quê hương của cuộc khởi nghĩa hào hùng chống thực dân Pháp, dùi mài kinh sử ở Hà Nội, và du học bằng học bổng chính phủ Nhật, rồi tốt nghiệp tại một trong những trường đại học danh tiếng nhất ở Tokyo. Người còn lại sinh ra ở Sài Gòn, rời quê hương trong một đêm bão tố trên chiếc ghe đánh cá, chỉ để tìm tự do, để rồi lớn lên ở Hoa Kỳ, và cuối cùng đến Nhật trong vai trò của một luật sư. Cả hai đều có những điểm chung là mê rượu, thích vui, và tình yêu quê hương nồng nàn. Chúng tôi có cùng một giấc mơ về một Việt Nam tiên tiến hơn, dù con đường để thực hiện giấc mơ có thể khác nhau. Do đó, tuy rằng xuất thân hoàn toàn khác biệt, chúng tôi đề cao những giá trị chung và ấp ủ với nhau ý tưởng về một công ty mới.
Từ đó Mobilus ra đời. Đó là năm 2011, ngay sau trận động đất và sóng thần lịch sử tại Nhật Bản. Lúc đó chúng tôi chưa có kế hoạch kinh doanh cụ thể mà chỉ có ý tưởng là phải làm một cái gì đó mới. Đây là lần IPO thứ ba ở Nhật có sự tham gia của tôi, và là lần IPO đặc biệt nhất đối với tôi, vì giá trị tinh thần dành cho cộng đồng người Việt nơi đây. Tôi hi vọng thành quả nhỏ này sẽ là nguồn cảm hứng giúp cho những thế hệ trẻ tiếp nối có thêm tự tin để bắt đầu và theo đuổi giấc mơ của chính họ. Tôi không có nhiều lời góp ý để giúp thực hiện thành công giấc mơ, nhưng có nhiều bài học về sự thất bại có thể chia sẻ.
Sau 20 năm qua, chúng ta thấy lý tưởng của những người trẻ ngày càng bị bào mòn bởi sự khó khăn trong cuộc sống. Ngọn lửa mãnh liệt ngày ấy giờ chỉ là những thỏi than hồng. Những người trẻ miệt mài theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp không còn nhiều. Vì vậy, phải chăng là chúng ta nên là những người giúp các người trẻ kiến tạo giấc mơ. Chúng tôi mong muốn có thể giúp đỡ các thế hệ trẻ Việt Nam kiến tạo giấc mơ và đạt thành quả tốt hơn trên con đường thực hiện giấc mơ của mình.
Chia vui với các anh trong thành tựu này, nhưng tôi vẫn không quên cảnh trầm luân của người dân tại quê hương Việt Nam, đặc biệt là tại Sài Gòn - thành phố nơi tôi được sinh ra - do sự hoành hành của đại dịch Vũ Hán. Và tôi cũng nhớ đến những người như anh Trần Huỳnh Duy Thức và các tù nhân lương tâm khác, những con người dũng cảm đã và đang có những sự lựa chọn can trường. Họ chọn dấn thân hơn là vinh thân, một sự lựa chọn chắc chắn có ít lợi lộc hơn, một sự lựa chọn mà tôi có lần đã đắn đo nhưng đã bị khuất phục bởi nỗi sợ và sự cám dỗ…
Nguyễn Thái Học, người anh hùng của cuộc khởi nghĩa Yên Bái, đã bị hành quyết bởi thực dân Pháp, nhưng giấc mơ của ông về một Việt Nam tự do, hạnh phúc vẫn còn sống cùng với các thế hệ nối tiếp. Tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng: một Việt Nam tự do là điều kiện phát triển tốt nhất cho người dân nơi đây. Phải có tự do thông tin ngôn luận, phải có tự do thật sự cho người dân!
____________
(*) Chú thích của ban biên tập: IPO là cụm từ viết tắt của Initial Public Offering, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “Lần đầu tiên phát hành ra công chúng”. Đây là hoạt động của các doanh nghiệp lần đầu tiên mở bán công khai cổ phiếu, hay còn gọi là huy động vốn từ công chúng một cách phổ biến, rộng rãi, bằng việc niêm yết cổ phiếu lần đầu tiên trên sàn chứng khoán. Sau khi hoàn tất IPO, doanh nghiệp đó sẽ chính thức trở thành một công ty cổ phần với vốn góp từ đại chúng. 
Thông tin chi tiết về công ty Mobilus: https://mobilus.co.jp
____________
* Nguyên tác: 
Congratulations to Tom Ishii and Kenji Kato on the IPO of Mobilus! I am honored to be a part of the journey. You have done an amazing job. A bright future awaits!
More than monetary returns, I am proud that Mobilus is the first company co-founded by Vietnamese to be listed in Japan. 
Nguyễn Minh Đức and I met 20 years ago -- one born in Yen Bai, a city best known for its famous uprising against French colonial rule, educated in Hanoi, came to Japan on a scholarship and graduated from its top university; the other born in Saigon, left Vietnam on a stormy night during the wave of “boat people” searching for freedom, grew up in the United States and came to Tokyo as a US-trained attorney. We shared a passion for wine and fun and a love of country. The dream of a better Vietnam was the same, the path there may be different. Despite disparate backgrounds, we focused on common values and shared ideals to build a new company. 
Mobilus was started in 2011, after the tragic earthquake and tsunami in Japan, with no business plan and only the idea to do new things. This is my third IPO exit in Japan but the most special for its symbolic value to the Vietnamese community here. The small accomplishment may be a model  for  young Vietnamese starting out and chasing dreams. My advice for success is limited; the lessons of failures are plentiful. 
After 20 years, the idealism of youth has been grinded down by the harsh realities of life. The fire is now but an ember. No longer dream chasers, perhaps we can be dream builders, helping a younger generation of Vietnamese to achieve better.   
In accomplishment, I cannot forget the current suffering of  the people in Vietnam, especially Saigon, the city of my birth, due to the coronavirus pandemic, and people like Trần Huỳnh Duy Thức and other prisoners of conscience, they who chose a more courageous path than I -- sacrifice rather than business, suffering rather than self-advancement -- a path surely less taken and one I once wanted for myself, but fear and greed got the better of me.
Nguyen Thai Hoc, the hero of Yen Bai, was beheaded by the French, but his dream of a better Vietnam lives on with successive generations. I believe a freer Vietnam will bring out the best in its people. Information needs to be free – people should be free!
Picture
0 Comments

LỜI KÊU GỌI ĐÓNG GÓP “CỨU TRỢ CỘNG ĐỒNG - CHỐNG DỊCH VŨ HÁN”

14/6/2021

0 Comments

 
Picture
 Kính thưa quý đồng hương

Kết quả thăm dò tình hình cộng đồng mới nhất do Hiệp hội người Việt tại Nhật thực hiện vào tháng 5/2021 theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên cho biết 86% số người được khảo sát đang gặp khó khăn mất việc và giảm thu nhập. Gần 10% báo cáo là đang bị kẹt lại Nhật Bản, không được trở về Việt Nam. Thêm vào đó, chủng virus corona biến dị mới xuất hiện trong nước hiện nay chắc chắn sẽ làm chậm lại ngày về đối với những đồng hương đang phải lây lất khó khăn nơi xứ người. Mặt khác, dịch bệnh tại Nhật vẫn chưa có dấu hiệu được khắc phục và nhiều tỉnh thành phải ban bố tình trạng giới nghiêm khẩn cấp khiến cho nền kinh tế thứ 3 trên thế giới này thêm lao đao, quán hàng thưa thớt và tỷ lệ thất nghiệp mỗi lúc mỗi tăng. Cũng do đó mà người Việt chúng ta phải hứng chịu thiệt hại không kém. Theo khảo sát thăm dò kể trên, 38% đồng hương cho biết muốn nhận tiền bạc trợ cấp, 47% muốn nhận lương thực thực phẩm cứu trợ. Đây quả là một con số đáng buồn và đáng phải báo động.

Trong năm 2020, mặc dù đã liên tiếp thực hiện 4 đợt cứu trợ cộng đồng chống dịch Vũ Hán để khẩn cấp giúp đỡ các đồng hương lâm cảnh khó khăn, tuy nhiên, với tình trạng như thế này, Hiệp hội người Việt tại Nhật nhận định rằng vẫn còn rất nhiều đồng hương cần và cần gấp sự giúp đỡ, trước tiên là lương thực thực phẩm để có thể gắng gượng qua được khó khăn hiện tại. Đó chính là lý do để đợt cứu trợ cộng đồng chống dịch Vũ Hán lần thứ 5 được phát động. 
Ngay tại thời điểm này, con số đồng hương đăng ký nhận quà qua các thành viên tuyến đầu của Hiệp hội tại một số tỉnh thành đã vượt quá hạn mức tài trợ của tổ chức Phúc lợi Giáo dục châu Á FWEAP và quỹ dự phòng của HHNVTN. Mặc dù vậy, với tâm niệm không bỏ sót bất kỳ một đồng hương nào, toàn thể anh chị em trong Hiệp Hội đang dốc sức tiến hành mọi biện pháp để phân phối quà cứu trợ đến đúng tận tay từng người nhận. Đây cũng chính là lý do chúng tôi viết thư này kêu gọi sự đóng góp ủng hộ tài chính của quý đồng hương hảo tâm để gói quà được đong đầy hơn và cũng giúp cho tất cả người cần đến có thể nhận được.
Nếu một thảm họa luôn để lại dấu vết tàn khốc trong ký ức khó phai, thì bên cạnh đó, những tấm lòng vàng đã trải ra, chia sẻ khốn khó, giúp người yếu thế vượt qua đại nạn cũng sẽ mãi được khắc ghi. 

Kính thưa quý đồng hương, một cộng đồng bền vững phải là một cộng đồng biết chia ngọt sẻ bùi trong mọi cơn thăng trầm. 
Trong ý nghĩa đó, trước khi dứt lời, một lần nữa xin cảm ơn và thành tâm đón chờ mọi đóng góp quý báu của quý bà con hảo tâm từ khắp nơi để Hiệp hội người Việt tại Nhật có được cơ hội chuyển phát những gói quà thắm đượm nghĩa tình đến tất cả đồng hương đói kém và thiếu may mắn của chúng ta.

Mọi đóng góp tài chính xin chuyển khoản đến:
Tên tài khoản: トクヒ)ニホンザイジュウベトナムジンキョウカイ
1) Nếu chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng: 支店番号: 138   普通預金 口座番号: 0271203
2) Nếu chuyển tiền từ tài khoản bưu điện:  記号: 11340   番号: 02712031  
 Tất cả chi thu cho chương trình cứu trợ sẽ được giải trình công khai trên mọi phương triện truyền thông của Hiệp hội người Việt tại Nhật sau khi được chứng thực kiểm toán bởi chuyên gia tư vấn thuế.
Quý đồng hương cũng có thể tham khảo thông báo thu chi của các đợt cứu trợ trước ở link bên dưới:
https://www.facebook.com/1736769446601695/posts/2792148834397079

Nhân tiện đây chúng tôi cũng xin cập nhật số tiền quyên góp được trong tuần vừa qua (7/6~13/6) như sau:
1.Anh Nguyễn Phương         10000 Yên  
2.Chị  Ẩn danh                       1000 Yên


​Trân trọng kính báo
NGUYỄN PHƯƠNG KHANH
Hội trưởng NPO Hiệp hội người Việt tại Nhật
0 Comments

Thông báo về cuộc thi Hùng biện tiếng Nhật - Presentation contest 2021

7/6/2021

0 Comments

 
Cuộc thi thuyết trình tiếng Nhật📣📣
(Thông báo tổ chức và tuyển chọn các đội tham gia)

Nhằm mục đích kết nối tình bạn sâu đậm giữa những cộng đồng người tị nạn định cư tại Nhật Bản, cũng như thúc đẩy các hoạt động giao lưu với xã hội Nhật Bản của thế hệ con em người tị nạn và người định cư, Tổ chức Giáo dục Phúc lợi Á Châu với sự hợp tác của Hiệp hội người Việt tại Nhật sẽ tổ chức một cuộc thi thuyết trình tiếng Nhật theo các chi tiết dưới đây:


1️⃣. Cuộc thi thuyết trình là gì?
(1) Đây là một cuộc thi thuyết trình mới, kết hợp giữa cuộc thi hùng biện tiếng Nhật đã được tổ chức từ trước đến nay với việc sử dụng hình ảnh, video và âm nhạc trong lúc thuyết trình.
(2) Tham gia nhóm từ 3 đến 4 người và tạo một tài liệu thuyết trình trên máy tính bằng PowerPoint, v.v. theo chủ đề được đưa ra. Một người sẽ đứng ra thuyết trình trên nền hình ảnh máy tính được chiếu trên màn hình lớn. Ban giám khảo sẽ đánh giá thông điệp mà nhóm muốn truyền tải, nội dung trình bày, cách diễn đạt, độ chính xác của tiếng Nhật,v.v… để chọn ra đội thắng cuộc.
(3) Vui lòng tham gia buổi họp vào ngày 25/7 (chủ nhật) từ 14h00 có nội dung trong mục 2. dưới đây để nghe giải thích các điều kiện chi tiết của cuộc thi.

2️⃣. Thời gian và địa điểm tổ chức
〇 Buổi họp giải thích chi tiết cuộc thi (chỉ dành cho những  nhóm được quyết định tham gia dự thi)
・Thời gian: Chủ nhật, ngày 25 tháng 7 
                     14: 00 - 15: 00
・Địa điểm: Tòa nhà JICA Ichigaya, Tầng 2 Global Plaza, Hội trường Quốc tế
                    10-5 Ichigayahonmura-cho, Shinjuku-ku, Tokyo
                    10 phút đi bộ từ ga "Ichigaya" trên các tuyến JR, Yurakucho và Namboku
https://www.jica.go.jp/hiroba/about/map/index.html
〇 Buổi thi chính thức
・Thời gian: Chủ nhật, ngày 3 tháng 10
                     13: 00-15: 30
  ・Địa điểm: Hội trường tầng 1 của Trung tâm JICA Tokyo
    2-49-5 Nishihara, Shibuya-ku, Tokyo
                      8 phút đi bộ từ ga Hatagaya trên tuyến Keio New
                      12 phút đi bộ từ ga Yoyogi-Uehara trên tuyến Chiyoda và tuyến Odakyu
https://www.jica.go.jp/tokyo/office/access.html

3️⃣. Chủ đề cuộc thi
Chủ đề của cuộc thi là "Nhật Bản và chúng ta", chẳng hạn như “Cảm nhận của bạn về đất nước và con người Nhật Bản trong cuộc sống hàng ngày”, “Sự khác biệt giữa quê hương bạn và Nhật Bản”, “tương lai của nền kinh tế Nhật Bản” hoặc bất cứ một chủ đề nào khác liên quan đến Nhật bản và có thể tự do diễn đạt.

4️⃣. Thể lệ:
(1) Hãy lập một đội và tham gia với những người không nói tiếng Nhật như tiếng mẹ đẻ. Số người trong một đội là 3 đến 4 người.
(2) Nhóm phải có ít nhất một người định cư tại Nhật theo dạng tị nạn hoặc là có gia đình là cư dân tị nạn.
(3) Người lên thuyết trình (bằng tiếng Nhật) phải là người đến Nhật không quá 5 năm.
(4) Số đội tham gia: tối đa 8 đội. 
      Nếu số đội đăng ký tham gia nhiều hơn dự kiến thì sẽ xét tuyển hồ sơ trước khi quyết định.
(5) Đại diện của các đội được phép dự thi phải tham gia cuộc họp ngày 25 tháng 7.
     Thông tin chi tiết sẽ liên lạc cho các đội.
(6) Các đội tham gia phải chấp thuận điều kiện Các video, hình ảnh của cuộc thi sẽ được 
      đăng trên SNS và các tạp chí quan hệ công chúng.

5️⃣. Cách thức tổ chức chấm thi:
(1) Thời gian thuyết trình: mỗi đội sẽ thuyết trình trong 5 phút. 
      Nếu quá 7 phút sẽ bị trừ điểm.
(2) Ban giám khảo sẽ chấm điểm và xếp hạng dựa trên 
❶ Thông điệp được truyền tải.
       ➋ Nội dung của bài thuyết trình.
       ➌ Cách diễn đạt.
       ➍ Độ chính xác của tiếng Nhật.
(3) Sau phần trình bày của mỗi đội sẽ có phần hỏi đáp ngắn gọn với ban giám khảo bằng
      tiếng Nhật. Phần này cũng sẽ được cho điểm.

6️⃣. Giải thưởng và tiền thưởng cho các đội xuất sắc
(1) Cúp và tiền thưởng sẽ được trao cho đội có thành tích xuất sắc.
・Giải Nhất:  200.000 yên
・Giải Nhì: 100.000 yên
・Giải Ba: 50.000 yên
(2) Đội đoạt giải nhất sẽ được mời tham dự buổi "Họp mặt lần thứ 42 với những người tị nạn định cư tại Nhật Bản" dự kiến tổ chức vào ngày 5 tháng 12 (chủ nhật) năm nay để trình bày lại bài thuyết trình của đội mình và sẽ được tuyên dương một lần nữa trước những người tham dự.

​7️⃣. Cách thức đăng ký:
Vui lòng điền vào các mục cần thiết trong "Mẫu đơn đăng ký tham gia cuộc thi thuyết trình tiếng Nhật" được đăng trên trang web của Tổ chức Giáo dục Phúc lợi Á Châu và gửi đến e-mail: info@fweap.or.jp
・ Đơn đăng ký tham gia cuộc thi thuyết trình (PDF)
http://www.fweap.or.jp/wp/wp-content/uploads/2021/06/1ddb88b5f4559693976ab42d1823eec4.pdf
 ⌛Hạn đăng ký đến 18:00 ngày 30 tháng 6 (thứ tư)
Picture
0 Comments
<<Previous
Forward>>

    Archives

    July 2022
    June 2022
    April 2022
    March 2022
    February 2022
    January 2022
    December 2021
    November 2021
    October 2021
    September 2021
    June 2021
    May 2021
    April 2021
    February 2021
    October 2020
    August 2019
    June 2019
    April 2019

    Categories

    All
    Goc Nhin
    Hoat Dong
    Tin Tuc

NPO HIỆP HỘI NGƯỜI VIỆT TẠI NHẬT - NPO VAJ
​NPO 法人日本在住ベトナム人協会​

〒204-0024 東京都清瀬市梅園二丁目2番6号
Email: contact@hiephoi.jp
Facebook: www.facebook.com/hiephoiVN
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCDa240QgWOL4pSliOzcdqLQ
Hỗ trợ & Tư vấn: bit.ly/3qMhFhf
  • TRANG CHỦ
  • TIN TỨC
  • GÓC NHÌN
  • HOẠT ĐỘNG
  • KINH NGHIỆM SỐNG TẠI NHẬT
  • GIỚI THIỆU